Dec 25, 2014

[ĐẠO MỘ BÚT KÝ] CHUNG CỰC GIẢI MÊ - PHẦN 03

Written By Tích Vũ Lầu on Dec 25, 2014 | 10:22

ĐẠO MỘ BÚT KÝ
CHUNG CỰC GIẢI MÊ
Viết bởi: Noãn Hòa Hồ Ly Bắc Kinh
Dịch bởi: Tích Vũ
Chung cực giải mê – Phần 03: Sợi dây mê thứ hai - Cốt lõi của Đạo Mộ Bút Ký: Sự phát triển bí mật trường sinh bất lão thời cổ đại.

Thứ nhất, thời đại Phục Hy – Nữ Oa, khởi nguồn của nền văn minh Trung Hoa cổ đại.
Khi đó con người có hai đặc điểm, thứ nhất là có thể sống cả ngàn năm, thứ hai là nhân thú hợp thể. Hình tượng của Phục Hy - Nữ Oa chính là đầu người thân rắn, hơn nữa là anh em kết hôn với nhau. Đây là bí mật cách thức trường sinh của họ, bởi vì có nhiều loài động vật sống lâu hơn con người rất nhiều, thời đại Phục Hy là thời sống cộng sinh giữa người và thú.
Đầu tiên, họ có thể sử dụng Thanh Đồng cổ khống chế hành vi động vật, chiếc chuông trên đuôi của bọ ăn xác chúa trong Lỗ Vương cung chính là loại Thanh Đồng này.
Bọn họ có thể trường sinh, có lẽ do đã để loài vật nào đó sống trong thân thể mình, hình thành mối quan hệ cộng sinh.
Như Phục Hy hẳn đã bỏ rắn vào trong bụng, như vậy ngài có thể có được tuổi thọ của rắn, đồng thời giữ nguyên được tư duy con người. Khuyết điểm duy nhất là biến thành hình dạng đầu người thân rắn (kết hợp gen giữa rắn và người), mang thân hình “yêu quái”!
Tuy rằng tuổi thọ của Phục Hy Nữ Oa rất dài, nhưng họ vẫn sẽ chết, khi con rắn nằm trong cơ thể họ chết đi, họ cũng sẽ chết theo. Phục Hy sống 1,100 tuổi hẳn là tuổi thọ của rắn cộng sinh trong cơ thể ngài.
Đây là trường hợp trường thọ xưa nhất được ghi nhận, cũng là khởi điểm của tất cả các biện pháp trường sinh đến nay.
Bên trên tôi đã đề cập qua, di tích cổ xưa và cánh cửa Thanh Đồng dưới lòng đất Vân Đỉnh Thiên Cung chính là do Phục Hy để lại.
Bộ lạc Đông Di có một số loài vật cổ, đều bị con người dùng Thanh Đồng thuần hóa, phục vụ cuộc sống hoặc cộng sinh với con người.
Đại du diên, mang nguyên hình rồng.
Đại điểu, mặt người thân chim.
Rắn, Phục Hy mặt người thân rắn.
Sâu bọ, trùng đồ đằng của bộ lạc Phục Hy.
Thứ hai, theo dòng chảy của lịch sử, sau khi Phục Hy chết, bộ lạc Đông Di bắt đầu chia cắt:
Một nhánh của Hoàng Đế, đi tới vùng Trung Nguyên, bắt đầu phát triển ngành trồng trọt chăn nuôi.
Một nhánh của Xi Vưu, phát triển một nền tế tự vu cổ và văn minh Thanh Đồng rực rỡ ngay tại Hà Bắc.
Một nhánh của Tây Vương Mẫu, đi tới núi Côn Lôn, mang theo chim, rắn và trùng.
Ba bộ lạc bắt đầu phát triển theo các phương thức khác nhau, nói đơn giản, Hoàng Đế thích hòa bình xây dựng, Xi Vưu thích chinh chiến cúng tế, Tây Vương Mẫu lại thích nghiên cứu và phát triển thuật trường sinh bất lão.
Nhưng lúc đó, bọn họ vẫn duy trì hình dạng nhân thú cộng sinh từ thời Phục Hy: “Sơn Hải Kinh” miêu tả, Hoàng Đế, Xi Vưu, Tây Vương Mẫu đều là quái vật nửa người nửa thú, Hoàng Đế là người kết hợp với rồng, Xi Vưu là người hợp nhất với chim, Tây Vương Mẫu còn kết hợp nhiều loại động vật hơn nữa, điều này đã cho thấy, bọn họ vẫn duy trì cách thức trường sinh “cộng sinh giữa người và thú”, tuổi thọ của bọn họ, đều khoảng hơn ngàn năm.
Hình tượng Phục Hy Nữ Oa đầu người thân rắn trong truyền thuyết

Thứ ba, sau đó chiến tranh bắt đầu nổ ra.
Đầu tiên là bộ lạc Viêm Đế đánh nhau với Hoàng Đế, Viêm Đế là đại biểu của nền văn minh nông nghiệp, sau đó, hai bộ lạc này hợp nhất, hình thành tổ tiên của Hoa Hạ. Tiếp theo là cuộc chiến giữa Viêm Đế và Xi Vưu. Xi Vưu mang hình tượng chiến thần, lại biết thuật vu cổ, ban đầu Hoàng Đế không đánh lại Xi Vưu, đến khi Tây Vương Mẫu đứng về phía Hoàng Đế, bà phái Cửu Thiên Huyền Nữ (mặt người mình chim), trợ giúp Hoàng Đế hóa giải vu cổ của Xi Vưu, Xi Vưu thua trận bị giết, từ đó bộ tộc Xi Vưu tản mác khắp nơi, một bộ phận gia nhập bộ lạc của Viêm Hoàng, một bộ phận khác lưu lạc đến Trường Sa, rồi đến Quảng Tây, Vân Nam, trở thành tộc Miêu, tộc Dao.
Từ đây về sau lịch sử bước vào thời đại “Ngũ Đế”:
Bộ lạc Xi Vưu lưu lạc khắp nơi, chắc hẳn cũng dần mất đi thuật trường sinh “nhân thú cộng sinh”, chỉ còn một số ít hậu nhân vẫn còn giữ gìn được nền văn minh Thanh Đồng và phát triển nền văn hóa vu cổ.
Nhánh của Hoàng Đế tiếp tục phát triển lớn mạnh, trở thành dòng chính của nền văn minh Trung Hoa, đi theo trồng trọt chăn nuôi mà quên dần và từ bỏ hình tượng yêu quái “nửa người nửa thú”, dần dần biến thành người bình thường, đương nhiên cũng mất đi khả năng “trường sinh”.
Chỉ có Tây Vương Mẫu, kế thừa và phát triển thuật trường sinh từ thời Phục Hy.
Thứ tư, trong khoảng thời gian từ thời Hoàng Đế đến giữa thời Tây Chu:
Trung Nguyên đang trải qua bước chuyển mình từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến triều Hạ, Thương, Chu.
Trong khi đó, Tây Vương Mẫu ở Côn Lôn vẫn tách mình khỏi mấy nghìn năm năm chiến tranh chinh phạt ở Trung Nguyên, đứng riêng một trời đất.
Tây Vương Mẫu có lẽ là hậu duệ gần gũi nhất, chính tông nhất của Phục Hy Nữ Oa, bởi vì văn hóa bộ lạc Phục Hy thuở ban đầu được bà gìn giữ nguyên vẹn nhất.
Mà, Tây Vương Mẫu cũng vẫn mải miết nghiên cứu thuật trường sinh suốt mấy nghìn năm.
Vì sao Tây Vương Mẫu lại muốn dời đến núi Côn Lôn? Câu trả lời là: Vì ngọc!
Đúng vậy, chính là ngọc. Trong nền văn hóa cổ đại Trung Hoa, Tây Vương Mẫu nổi danh với ngọc, một loại ngọc màu đen có thể giúp cho người ta “trường sinh bất lão”. Có ghi chép từng chỉ ra rằng, Tây Vương Mẫu từng dùng loại ngọc này chế thành “ngọc anh” cho Hoàng Đế ăn, sau khi ăn có thể giữ cho dung nhan trẻ mãi, trường sinh bất tử.
Mọi người có cảm thấy quen không? Đúng vậy, ngọc này chính là vẫn ngọc mà Văn Cẩm đã tiến vào, cũng là chất liệu tạo nên áo ngọc của Lỗ Thương Vương.
Nắm rõ thuật “nhân thú cộng sinh” của Phục Hy, thuật khống chế xà điểu, thêm vào thuật giữ cho dung nhan ngàn năm trẻ mãi, Tây Vương Mẫu bắt đầu cuộc thực nghiệm trường sinh bất lão cả mấy ngàn năm, mở màn một vở kịch vô cùng đặc sắc.
Ba phương pháp trường sinh bất lão của Tây Vương Mẫu:
Phương pháp thứ nhất: Nhân thú cộng sinh.
Đây vẫn là phương pháp cũ Phục Hy truyền lại, người kết hợp với rắn, người kết hợp với chim vân vân, lý thuyết trường sinh của cách thức này chính là: Nếu như con người sống bình thường, thì có thể chiếm được tuổi thọ của loại động vật cộng sinh trong cơ thể, trên dưới ngàn năm. Nếu như người gặp phải chuyện gì bất trắc, thì chỉ cần loài vật sống trong cơ thể mình còn sống, thì bằng cách cộng sinh giữa người và động vật, động vật sẽ có được trí nhớ và ý thức của con người, tiếp tục cộng sinh với một người khác đã bị gột sạch ký ức, thực hiện việc “chuyển thế”.

Đạo Mộ Bút Ký

Nhược điểm của phương pháp này là đến khi loài vật sống trong cơ thể người chết đi, người cũng sẽ chết theo, thêm nữa tất cả sẽ đều biến thành yêu quái nửa người nửa thú.
Lúc đầu chắc chắn Tây Vương Mẫu đã dùng biện pháp như thế, cho nên bà mới mang bộ dạng yêu quái.
Điều này có thể chứng minh bằng di tích ở Xà Chiểu, với những người phụ nữ mặt người thân rắn trên bức bích họa cộng thêm những con rắn mào gà có hành vi cổ quái (rắn mào gà là loại rắn có linh tính được Tây Vương Mẫu thuần dưỡng dùng cho việc nhân thú cộng sinh thời kỳ đầu).
Biện pháp thứ hai: Đan dược = ngọc anh + bọ ăn xác chúa.
Nhược điểm của biện pháp trường thọ “nhân thú cộng sinh” chính là cốt lõi thay đổi của Tây Vương Mẫu.
Động vật sống trong cơ thể người chết thì người cũng chết theo, vậy phải làm sao bây giờ?
Có thể tìm cách giữ lại trí nhớ và ý thức của con người, đồng thời giữ cho thân thể không thối rữa và sống lại?
Có thể không mang bộ dạng yêu quái nữa không?
Động vật cộng sinh trong cơ thể người có kích thước rất nhỏ, không giống chim hay đại xà.
Tây Vương Mẫu phát hiện ba thứ: Bọ ăn xác, vẫn ngọc (thiên thạch), và rắn mào gà chúa.
Bọ ăn xác là loại động vật dùng cách đẻ trứng trong não người mà bảo tồn ký ức con người, kích thước cũng nhỏ, có thể trở thành động vật cộng sinh mới.
Vẫn ngọc – người ăn vào lúc sống có thể giữ cho dung nhan trẻ mãi không già, sau khi chết đi cũng có thể giữ cho thi thể không thối rữa.
Rắn mào gà chúa, khẳng định là rắn thần có thể sống lại sau khi lột xác.
Vì vậy Tây Vương Mẫu bắt đầu một cuộc thực nghiệm trên quy mô lớn:
Những chiếc bình của Tây Vương Mẫu trong quỷ thành chứa những đầu người đầy trứng bọ ăn xác chết, chính là thực nghiệm dùng bọ ăn xác để bảo tồn ký ức.
Bức bích họa ghi lại cảnh cho rắn mào gà ăn trứng bọ ăn xác chết, cho thấy Tây Vương Mẫu muốn tạo ra loại sinh vật có ưu điểm của cả bọ ăn xác và rắn mào gà.
Loại sinh vật cực kỳ lợi hại này đã được Tây Vương Mẫu chế tạo thành công, đúng vậy, chính là bọ ăn xác chúa!
Cổ trong vu cổ cũng được tạo nên bằng cách cho những sinh vật đáng sợ này ở cùng một chỗ, để chúng nó cắn xé lẫn nhau, cuối cùng giữ lại một con duy nhất, trở thành cổ (sâu độc).
Bọ ăn xác chúa của Tây Vương Mẫu cũng chính là loài động vật này.
Nó có sức mạnh của cả bọ ăn xác và rắn mào gà, có thể bảo trì ký ức, giúp con người giữ được hình dạng con người, lại giúp cho họ có thể lột da mà sống dậy.
Đương nhiên, bọ ăn xác là thứ kịch độc.
Cho nên, Tây Vương Mẫu phải nhốt thứ này trong một viên ngọc, chế thành thuốc trường sinh bất lão.
Lúc Tây Vương Mẫu sắp chết, chỉ cần ăn viên thuốc này vào, nằm trong vẫn ngọc đợi ngày sống dậy.
Lúc này bọ ăn xác chết sẽ đẻ trứng trong não người để giữ lại ký ức cho người đó, đồng thời vẫn ngọc giúp cho xác chết không bị phân hủy, thêm vào khả năng lột xác của rắn. Sau vài lần lột da, con người có thể lấy lại được tuổi trẻ, đồng thời khôi phục trí nhớ, sống lại một lần nữa. Tác dụng của vẫn ngọc tất nhiên mạnh hơn áo ngọc rất nhiều, quá trình sống lại của Tây Vương Mẫu chắc sẽ ngắn hơn người khác rất nhiều, đại khái chỉ mất mấy trăm năm?
Phương pháp thứ ba: Ăn đan dược lúc còn trẻ và còn sống
Con người đương nhiên ai cũng có lòng tham, Tây Vương Mẫu cũng không ngoại lệ.
Tuy rằng thực hiện được việc “sống lại”, nhưng vẫn cần phải “chết” một khoảng thời gian rất dài.
Nếu như lúc còn trẻ và còn sống bà ta ăn luôn đan dược chế từ bọ ăn xác chết thì sẽ thế nào?
Nhất định Tây Vương Mẫu thí nghiệm trên vô số người sống, kết quả là chết ngay tức khắc hoặc trở thành các loại quái vật điên cuồng như cấm bà. Nói chung là không thành công.
Cuối cùng, Tây Vương Mẫu phát hiện ra một bí mật: Cách duy nhất để lúc sống ăn luôn đan dược chế từ bọ ăn xác chết mà không nguy hiểm đến tính mạng, có thể thực hiện được mong muốn trường sinh, chính là: Chui vào trong vẫn ngọc, không rời khỏi vẫn ngọc.
Như vậy chúng ta có thể đoán được, Tây Vương Mẫu lựa chọn biện pháp thứ ba.
Người ngồi ở bên ngoài vẫn ngọc, một thi hài rất giống với Tây Vương Mẫu, chính là “cái bóng của nữ vương”, giúp Tây Vương Mẫu truyền tin và ra lệnh cho bên ngoài.
Còn người phụ nữ thò đầu ra khỏi vẫn ngọc kia, có lẽ chính là bản thân Tây Vương Mẫu.
Thứ năm, Chu Mục Vương và Tây Vương Mẫu, thuật trường sinh được tái hiện lại ở vùng Trung Nguyên.
Trong thần thoại Trung Hoa, Chu Mục Vương là tình nhân của Tây Vương Mẫu.
Chu Mục Vương đi về phía Tây gặp được Tây Vương Mẫu, bên cạnh Dao Trì (nơi ở của Tây Vương Mẫu trong thần thoại), uống rượu vẽ tranh, tâm đầu ý hợp, say sưa bao ngày. Chu Mục Vương đã dùng tơ tằm chói lóa và ngọc bích quý giá mà mình yêu quý nhất làm quà gặp mặt kiêm vật đính ước.
Giây phút chia tay, Tây Vương Mẫu nói với vị thiên tử ấy: “Trên trời có mây trắng, dưới đất mọc gò đồi, con đường còn xa xôi, lại núi sông cách trở, nếu chàng được sống mãi, liệu có trở lại đây?”.
Năm tháng sau này, Tây Vương Mẫu vẫn si ngốc đợi người tình Mục Vương quay trở lại, nhưng chờ hoài chờ mãi chẳng thấy đâu.
Lý Thương Ẩn từng có câu thơ: “Tám ngựa ngày đi ba vạn dặm, cớ sao Mục Vương không lại thăm?”.
Chu Mục Vương là vị thiên tử đam mê chinh phạt và ngao du của thời đại Tây Chu.
Ngài đã cưỡi tám con ngựa đi tới núi Côn Lôn gặp Tây Vương Mẫu.
Ban đầu, có thể là vì chiến tranh, nhưng hiển nhiên giống như bích họa kia miêu tả, ông ta không có cách nào đối phó được đám rắn mào gà.
Ông ta gặp được vị Tây Vương Mẫu đã nghiên cứu ra được loại đan dược bọ ăn xác giúp trường sinh bất lão kia.
Cho nên bà đã không còn là yêu quái nửa người nửa thú, trở thành một nữ vương bình thường xinh đẹp tuyệt trần (chép trong “Mục Thiên Tử Truyện”).
Tây Vương Mẫu trong truyền thuyết

Có thể, Mục Vương và Tây Vương Mẫu gặp nhau giữa chiến tranh đã si mê lưu luyến, cũng có thể, Mục Vương chỉ là giả vờ đầu hàng giả vờ yêu thương.
Nhưng Tây Vương Mẫu thật sự thích Chu Mục Vương, vô cùng dịu dàng lưu luyến, vào thời khắc ly biệt, Tây Vương Mẫu ưng thuận lời hẹn tái kiến, còn tặng thuốc trường sinh bất tử cho Chu Mục Vương.
Cũng chính là đan dược dùng ngọc thạch bọc lấy bọ ăn xác chúa, kèm theo chiếc áo ngọc (do vẫn ngọc tạo thành).
Mục Vương và Tây Vương Mẫu cùng nhau ước hẹn. Tây Vương Mẫu còn trao cho Mục Vương hai vật khác: Một là ấn quỷ để điều động âm binh, giúp Mục Vương tiếp tục giấc mơ chinh phạt; hai là đàn bọ ăn xác đã bị Thanh Đồng cổ khống chế (bọ ăn xác đeo chuông lục giác trong Lỗ Vương cung).
Hiện tại có thể giải thích chuông lục giác chính là Thanh Đồng cổ khống chế động vật thời Phục Hy.
Mục Vương trở lại Trung Nguyên, xây mộ mình trong một ngọn núi ở Sơn Đông (thường chỉ có đế vương mới xây lăng trong núi).
Lúc sắp chết quả nhiên ông ta đã làm theo lời dặn của Tây Vương Mẫu, ăn đan dược, mặc áo ngọc, ngồi xếp bằng dưới một gốc cây (lời hẹn với Tây Vương Mẫu?), đợi đến ngày lột da sống dậy.
Ông ta chôn chung ấn quỷ trong mộ mình, còn thi biệt dùng để bảo vệ lăng.


Phần04: Sự phát triển bí mật trường sinh bất lão thời cổ đại (tiếp).

Post a Comment

Thục Thiên Mộng Hoa Lục