Aug 30, 2017

[THÍCH KHÁCH LIỆT TRUYỆN] MỘT VÀI VẤN ĐỀ LỊCH SỬ (PHẦN 1)

Written By Tích Vũ Lầu on Aug 30, 2017 | 11:00

"Dịch Dĩnh, tượng như muốn cúng tế đô thành, cũng là tạ tội với những binh sĩ đã liều chết bảo vệ quốc thổ, tử thủ cố đô vậy."

[THÍCH KHÁCH LIỆT TRUYỆN] MỘT VÀI VẤN ĐỀ LỊCH SỬ
– Viết bởi: Tích Vũ –

Bối cảnh, văn hóa, quy mô, quan hệ các nước trong Thích Khách Liệt Truyện gần như tham khảo giai đoạn Chiến Quốc. Chiến Quốc là thời kỳ mà các chư hầu của nhà Chu nổi lên tranh thiên hạ, trong đó có bảy nước mạnh nhất bao gồm: Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, Tần. Các nước chư hầu này đã lần lượt tự xưng vương, xếp mình ngang hàng với Chu thiên tử, nhà Chu khi đó chỉ còn cai quản một vùng đất nhỏ bé giống như các chư hầu khác mà thôi.



Thích Khách Liệt Truyện chi Ly Hỏa Chước Thiên 
Thiên hạ cộng chủ Khải Côn khi ấy giống như Chu thiên tử, đã cố gắng chiêu hiền đãi sĩ, cải cách chính trị, dùng chinh phạt để củng cố thế nước, nhưng xui xẻo đánh ngay thằng con mạnh nhất cũng cứng đầu nhất dẫn đến kết cục diệt vong.
Thích Khách Liệt Truyện - Long Huyết Huyền Hoàng
(Thích Khách Liệt Truyện chi Long Huyết Huyền Hoàng)

Vậy bảy nước còn lại tương ứng với những nước nào?

1, Thiên Tuyền ứng với nước Sở:
Nước Sở nằm ở phía Tây Nam, là một trong những nước sớm nhất bành trướng thế lực, có lúc lấn át cả thiên tử, dùng chính sách chinh phạt các nước nhỏ xung quanh để tạo uy thế ép nhà Chu nâng tước phong cho mình. Vua Sở cũng là chư hầu đầu tiên của nhà Chu ở Trung Nguyên tự xưng vương, được Sử ký chép là “nước mạnh trong thiên hạ”, “đất đai rộng hơn năm nghìn dặm, tướng sĩ mặc áo giáp trăm vạn người, xe nghìn cỗ ngựa vạn con, thóc gạo đủ chi dùng mười năm, đó là cái gốc để làm bá vương trong thiên hạ”.
Mọi người còn nhớ bội kiếm của Lăng Quang tên là gì chứ? Là Dịch Dĩnh kiếm. Từ Dĩnh () trong tiếng Hán chỉ có một nghĩa duy nhất, chỉ kinh đô nước Sở, còn Dịch () là từ cổ, chỉ một cách bái tế thời xưa. Dịch Dĩnh, tượng như muốn cúng tế đô thành, cũng là tạ tội với những binh sĩ đã liều chết bảo vệ quốc thổ, tử thủ cố đô vậy.


(Lăng Quang ra trận với thanh Dịch Dĩnh kiếm) 

        Sau này nước Sở thua vào tay nước Tần (ứng với Thiên Quyền - phân tích sau), vua Sở là Xương Bình Quân tử trận, tướng nước Sở là Hạng Yên tự vẫn theo. Nước Sở hoàn toàn diệt vong.
(Vua tử trận tướng tự sát, trời ơi đây chính là Thiên Tuyền của tui rồi!!! Hạng Yên tôi thích anh rồi đó. Mà Hạng Yên này còn là ông nội của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ nữa, sau này cháu Vũ khởi binh đánh Tần báo thù cho ông nội và vua của ông nội đấy các đồng chí ạ, đáng tiếc bị tra nam Lưu Bang hại chết rồi, bằng không… Ơ hình như đi quá xa thì phải?).

Thiên Tuyền vương Lăng Quang tử trận
(Thiên Tuyền vương Lăng Quang tử trận, thượng tướng quân Cố Thập An tự sát theo vua)

2, Thiên Xu ứng với nước Tấn (sau này bị chia tách thành Triệu, Ngụy, Hàn):
Nước Tấn nổi tiếng với chuyện nội bộ lục đục, tranh chấp ngôi vua diễn ra đằng đẵng nhiều thế hệ, các họ tộc trong nước cũng đấu đá tiêu diệt lẫn nhau, trong triều liên tục xảy ra chuyện thí nghịch và phế lập, vua thường không khống chế được bề tôi, bị bề tôi giết chết, như Linh Công bị thần tử họ Triệu giết, Lệ Công bị thần tử họ Loan và họ Trung Hàng giết, Bình công thì trở thành bù nhìn bị các thế tộc chi phối. Đến khi nước Tấn hoàn toàn rơi vào tay của ba đại thế tộc Triệu, Ngụy, Hàn, thì vua Tấn chỉ còn là một vị vua trên danh nghĩa, mọi chuyện đều do ba họ tự quyết, cuối cùng cũng giết nốt vua mà tự lập nước riêng, nước Tấn chính thức bị xóa tên trên bản đồ, chia thành ba nước nhỏ từ đó.
Thiên Xu vương Mạnh Chương
(Thiên Xu cái nước siêu cấp vô văn hóa, thần tử cãi vua ra rả còn hạ độc chết vua)

Trong suốt khoảng thời gian tồn tại, nước Tấn chủ yếu loay hoay xử lý nội chính nên không gây được ảnh hưởng gì với các chư hầu Trung Nguyên. Nói chung không ngờ trên đời còn một cái nước âm văn hóa như nhà Thiên Xu này!!!

3, Khai Dương ứng với nước Triệu (là một trong ba nước chia tách từ nước Tấn):
Nước Triệu là một trong những quốc gia yếu nhất nhưng đã dám dùng sức mạnh quân sự để củng cố thế lực và chống lại nước Tần (ứng với Thiên Quyền của Hắc Minh) là cường quốc khi đó. Lãnh thổ nước Triệu nằm ở phía Bắc, không có ưu thế về vị trí địa lý, sức mạnh quân sự hay tài nguyên thiên nhiên như các nước xung quanh (túm lại hệt như nước mẹ, đã yếu còn mắc bệnh hiểm nghèo), bị nhăm nhe từ mọi phía và phải chiến đấu gian khổ vì sự tồn tại của mình. Tuy nhiên sau khi vua Triệu thực hiện cải cách quân sự, thay chiến xa bằng cung thủ kị binh, sáng tạo vũ khí tối tân cùng với chiến thuật chiến đấu của bộ lạc du mục thì sức mạnh quân sự của nước Triệu đã tăng lên đáng kể, một vài lần đã xâm lăng vào nước Yên (ứng với Dao Quang), cũng là nước duy nhất còn sót lại đủ khả năng chống Tần.
Ai dè sau này nước Triệu liên minh với Ngụy (cũng là một trong ba nước tách ra từ nước Tấn - ứng với Xu cư của Trọng boss) để đánh Tần, vua Triệu trúng kế bị tiêu diệt hoàn toàn, tuy được Ngụy cứu thoát khỏi cuộc vây hãm nhưng nước Triệu đã không bao giờ lấy lại được sức mạnh quân sự như xưa.
Sau này vua Triệu tiếp tục trúng phải kế ly gián của nước Tần, tự chặt đứt phe cánh của mình, dẫn đến bị bắt sống và mất nước (Có khác gì Khai Dương vua hoang tưởng lại đa nghi, lên sàn hoành tráng xuống sàn như con gián không cơ chứ!!!)
Khai Dương vương Tá Dịch
(Khai Dương vương Tá Dịch - vừa đa nghi vừa ảo tưởng sức mạnh, thí mạng trung thần họ Cấn để giữ mạng cho mình)

4, Dao Quang ứng với nước Yên:
Nước Yên ban đầu là nước yếu, nhiều mỏ quặng, có ngành luyện kim phát triển, giỏi về chế tạo vũ khí và các vật dụng từ đồng thiếc, kiếm của Mộ Dung Ly có tên là Yên Chi, chính là chữ Yên () trong nước Yên này.

5, Thiên Ki ứng với nước Tề:
Nước Tề ban đầu rất có thực lực, diệt nhiều tiểu quốc xung quanh, dẫn đến các quốc gia phải liên hợp công đánh nước Tề, ngăn chặn nguy cơ bành trướng.
Mà nói đến Tề, chẳng phải Thiên Ki có một Tề tướng quân danh mãn thiên hạ hay sao?

6, Thiên Quyền ứng với nước Tần:
Nước Tần nằm một góc phía Tây, dùng màu đen làm chủ đạo, vua Tần là Doanh Chính lần lượt thôn tính các nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, sau đó sáp nhập nốt nước Yên, kết cục thống nhất thiên hạ đã là tất yếu.
Mà nói đến mối quan hệ yêu hận tình thù vô cùng vi diệu giữa hai nước Tần và Yên, chúng ta có một vụ Kinh Kha hành thích vua Tần trứ danh trong lịch sử. Thái tử Đan nước Yên từng có thời cùng Doanh Chính nước Tần làm con tin tại nước Triệu, hai vị công tử làm con tin nơi đất khách hẳn không ít cơ hội xây đắp tình thương mến thương, sau này mỗi người đứng ở một phe chiến tuyến, người này cử thân tín hành thích người kia, thiên hạ và ngươi ta chỉ có thể chọn một, ôi thiệt là cẩu huyết.
Khả năng phần 3 Dao Quang xuất hiện thần tử mới, mang theo hùng tâm tráng chí đi hành thích Hắc Minh, xong lại vô tình dính phải bả của hôn quân dẫn đến quên lối về như Cừu Chấn thì chết dở!!!
“Gió hiu hiu hề, nước sông Dịch lạnh ghê
Tráng sĩ ra đi quên đường về”
Túm lại sau vụ hành thích nổi tiếng kia, Doanh Chính tan nát con tim nổi cơn thịnh nộ hạ lệnh tấn công nước Yên, nước Yên bị xóa sổ từ đó, Doanh Chính thơ thẩn gom hết sổ đỏ trong thiên hạ về tay, thống nhất Trung Nguyên, lên ngôi hoàng đế.
Thiên Quyền vương Chấp Minh và Dao Quang vương Mộ Dung Lê
(Bao giờ thì Thiên Quyền mới xóa sổ Dao Quang?)

Túm lại mặc dù bối cảnh Thích Khách là giá không lịch sử, nhưng nếu cần hình tượng lịch sử thì vẫn có thể suy ra được. Quân Thiên giống như nước mẹ đại Chu, ngứa tay đánh thằng con mạnh nhất thế là đi đời, sau đó đàn con lục đục một hồi anh đánh tôi tôi úp anh lôi nhau ra tòa chia tài sản cuối cùng mấy anh già đánh nhau chết hết cậu em ít tuổi vươn vai dậy ngáp một cái gom hết sổ đỏ trong thiên hạ haha.

Những vấn đề linh tinh khác:
Tôi nhớ có một bản vietsub Thích Khách Liệt Truyện 2 trên youtube, ở đó dịch “vương thượng” thành “hoàng thượng”, còn dẫn đến một cuộc tranh cãi nhỏ, thật ra vấn đề “vương thượng” hay “hoàng thượng” không đáng để tranh luận, chắc chắn là “vương thượng” luôn, cho dù khẩu hình có giống nhau, chữ viết cũng khác hẳn nhau. Hơn nữa dựa vào bối cảnh thiết lập của bộ phim, nếu áp vào thời kỳ Chiến Quốc, thì các vua đều chỉ được tôn xưng là vương thượng, mãi cho đến khi nước Tần thống nhất thiên hạ, Doanh Chính xưng đế thì thiên tử mới được gọi là hoàng thượng thôi.
Chức vụ và tước hiệu của thần tử các nước trong Thích Khách cũng mang đặc trưng rõ ràng của thời Chiến Quốc (Chú ý chức vụ và tước hiệu là khác nhau, ví dụ Công Tôn được phong tước "thượng khanh", giữ chức vụ "phó tướng", khi chết trên bia mộ Lăng Quang xây cho ghi rõ "Thượng khanh phó tướng Công Tôn Kiềm chi mộ", thiếu một là không được, Công Tôn sẽ bất bình!!! Mà nhân nói về việc dựng bia mộ cho Công Tôn, bia mộ Lăng Quang làm khắc đủ "thượng khanh phó tướng Công Tôn Kiềm chi mộ", còn bia A Thổ làm ăn bớt của A Kiềm, chỉ ghi mỗi "Công Tôn Kiềm phó tướng chi mộ", A Thổ ông rõ vô lương tâm, sợ khắc nhiều chữ bia dài tốn xi măng hả?? Hay ông muốn mình ông làm thượng, cố tình cắt mất thượng của A Kiềm rồi?).

Công Tôn Kiềm - phó tướng Thiên Tuyền
(Công Tôn quân tử đã out từ phần một vẫn không ngừng được quần chúng nhắc tên)

Bên văn có tướng quốc, bên võ có tướng quân. Chức thượng tướng quân của bên võ tương đương với nguyên soái thời Xuân Thu. Bên văn thì đa dạng hơn, tùy nước mà định ra thừa tướng, quốc sư, thái sư, thái phó đứng đầu. Thượng khanh và thượng đại phu đều là tước phong bên văn. Công Tôn là thượng khanh, A Thổ là thượng đại phu, tranh nhau làm "thượng", thiệt là ngang tài ngang sức!!! À còn Tiểu Tề và Tiểu Cố cùng làm "thượng tướng quân" nữa chứ. Xem ra thiên hạ ai cũng sính "thượng", chỉ có mình Tiểu Cấn là khiêm tốn giữ chức "đình úy" vô thưởng vô phạt, lăng xăng giữa hai ban văn võ, chuyên bắt tội phạm bảo vệ an ninh, không phải thượng chắc chắn là hạ.

Cấn Mặc Trì - thần tử ba đời quân chủ
(Cấn Mặc Trì, thần tử số phận long đong, đò qua ba bến vẫn chưa tìm được minh chủ cho mình)

Tiết mục học lịch sử bằng hint hôm nay đến đây kết thúc. Chúc chư vị ngày càng yêu Sử như yêu các cặp quân thần!!!

(Còn nữa)

Link phần 2: Hình mẫu nguyên bản của Công Tôn Kiềm và Trọng Khôn Nghi

Post a Comment

Thục Thiên Mộng Hoa Lục