Feb 9, 2017

[NHÀ NGÔ] NGÔ XƯƠNG VĂN VÀ CHUYỆN HAI ANH EM CÙNG LÀM VUA

Written By Tích Vũ Lầu on Feb 9, 2017 | 16:10

"Ông anh này rất là mất nết, bản thân không công lao gì, ngôi vua là do em trai dùng cái mạng ra giật lại, mời anh về làm vua, anh lại vì sĩ diện hão mà chuyên quyền, không cho em trai can dự vào chính sự...".

[HINT LỊCH SỬ | NHÀ NGÔ] CHUYỆN HAI ANH EM CÙNG LÀM VUA
Viết bởi Tích Vũ
Tiếp tục series soi hint lịch sử mà Tích Vũ đã bắt đầu thực hiện từ 3 năm trước nhưng vì bận rộn nhiều thứ mà vẫn chỉ dừng lại ở một vị hoàng từ triều Lê (Vũ là Vũ rất thích hoàng tử, cũng toàn soi hoàng tử :v), hôm nay nhân ngày rảnh rỗi lôi Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ra đọc, Tích Vũ lại bắt đầu lục lại lịch sử để phân tích, tổng hợp, đánh giá về các lam nhan trong lịch sử bị cuốn vào vòng xoáy của những cuộc cung đình tranh đấu, loạn thế phân tranh, nợ nước thù nhà vô cùng bi ai và mùi mẫn. Nhân vật trung tâm của ngày hôm nay là Ngô Xương Văn – hoàng tử thứ hai của Tiền Ngô Vương Ngô Quyền, cùng với anh trai là Ngô Xương Ngập, khách mời cậu ruột Dương Tam Kha.

1, Giới thiệu nhân vật:
Ngô Xương Văn là hoàng tử thứ hai của Ngô Quyền, không rõ năm sinh, nhưng theo mình thì có lẽ sinh trong khoảng từ 927 đến 929. Thử suy luận một chút, Ngô Quyền sinh năm 898, mất năm 944, sau khi Ngô Quyền mất thì em vợ là Dương Tam Kha lên tiếm quyền, cướp ngôi, truy sát con trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập, nhận con thứ hai của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn làm con nuôi của mình, trong khi dưới Xương Văn vẫn còn hai đứa em trai khác là Ngô Nam Hưng và Ngô Càn Hưng còn nhỏ. Dương Tam Kha nhận Xương Văn làm con nuôi chứ không truy sát như Xương Ngập (dưới Xương Văn còn hai em nhỏ, không giữ lại Xương Văn vẫn còn hai hoàng tử khác làm bình phong), nguyên nhân logic nhất chỉ có thể là Xương Văn chưa đến tuổi thành niên (tất nhiên thì còn những nguyên nhân không logic, chư vị tự nghĩ đi nha). Như vậy Xương Văn không thể quá nhiều tuổi, giới hạn dưới 18, nhưng cũng không thể quá ít tuổi, vì khoảng 6 năm sau Xương Văn đã dẫn quân lật đổ Dương Tam Kha lấy lại ngôi vua cho dòng tộc, việc này một thiếu niên dưới đôi mươi khó mà làm được. Theo suy luận như trên, Vũ tạm kết luận rằng Xương Văn sinh tầm 927 – 928, năm xảy ra sự biến cung đình: phụ vương mất và Dương Tam Kha chiếm quyền (944-945), thì Xương Văn tầm 17-18 tuổi.
Xương Văn và anh trai là Xương Ngập đều là con trai của Ngô Quyền với mẹ là hoàng hậu họ Dương – chị gái của Dương Tam Kha (như vậy Dương Tam Kha là cậu ruột của hai đứa nhỏ, thế mà đi cướp ngôi rồi đuổi giết cháu, chia lìa anh em nhà người ta, ông cũng ác quá ông êi).
(Cũng có một thuyết khác khá có cơ sở, cho rằng Xương Ngập và Xương Văn là anh em cùng cha khác mẹ, chỉ có Xương Văn là con trai của hoàng hậu họ Dương, còn Xương Ngập là con của Ngô Quyền với người vợ cả đã mất từ lâu, lý thuyết này tạm lưu lại đã, khi nào cần YY thì dùng :v)

2, Một vài dấu mốc trong cuộc đời:
- Tầm 927 – 928: Sinh ra khi giữa thời loạn lạc, những năm Bắc thuộc cuối cùng, Nam Hán đưa quân đánh chiếm nước ta, tướng Dương Đình Nghệ (ông ngoại của Xương Văn, cha vợ của Ngô Quyền) phá tan quân giặc.
- Năm 938: Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán ở trận Bạch Đằng, tuyên bố thành lập quốc gia độc lập.
- Năm 939: Ngô Quyền xưng vương, thiếu niên Xương Văn tầm chục tuổi chính thức trở thành hoàng tử.
- Năm 944 – 945: Biến cố cung đình xảy ra khi Ngô Quyền mất (năm 944) và Dương Tam Kha cướp ngôi, tiếm xưng Bình Vương (năm 945).
- Năm 950 - 951: Xương Văn được cử cầm quân đi dẹp loạn, đã đưa quân về triều đánh bại Dương Tam Kha, dành lại ngôi vua cho họ Ngô và đón anh trai Xương Ngập về cùng trị nước.
- Năm 954: Xương Ngập mất, Xương Văn một mình làm vua.
- Năm 965, trong khi đi đánh quân nổi dậy ở Thái Bình, Xương Văn bị trúng tên tử trận.
[HINT LỊCH SỬ | NHÀ NGÔ] CHUYỆN HAI ANH EM CÙNG LÀM VUA

3, Vị hoàng tử khôn khéo, quyết đoán:
Năm 950, Dương Tam Kha (khi ấy đã chiếm ngôi được 6 năm), sai Xương Văn cùng hai tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình. Ngô Xương Văn đi đến nửa đường, dụ hai tướng quay lại lật đổ Dương Tam Kha.
Nội dung cụ thể được ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như sau:
<<Đến Từ Liêm, Xương Văn ung dung bảo hai sứ rằng: “Đức lớn của Tiên Vương ta đã thấm vào tận lòng dân, phàm chính lệnh ban ra không ai là không vui lòng nghe theo, nay chẳng may lìa bỏ quần thần, Bình Vương tự làm việc bất nghĩa, cướp ngôi của anh em ta, tội thật không có gì lớn bằng. Giờ đây, Bình Vương lại sai chúng ta đi đánh hai làng vô tội. Nếu may mà thắng được thì chẳng nói làm gì, còn như họ không chịu hàng phục thì ta biết làm sao?”.
Hai tướng cùng nói:
- Chúng tôi xin theo lệnh ngài.
Ngô Xương Văn mới bảo:
- Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình Vương để khôi phục cơ nghiệp của Tiên Vương ta, như thế có nên chăng?
Hai tướng đều trả lời là nên lắm, bèn quay về đánh úp Dương Tam Kha.>>
Qua sự việc này, ta thấy Xương Văn là người hết sức khôn khéo, nói đến ơn đức của cha để gợi lòng trung của tướng sĩ, lại kể tội Dương Tam Kha trên cướp ngôi vua dưới đàn áp dân chúng để hai tướng căm hờn, kiểu như: Các ông là tướng thì phải giết giặc ở sa trường, đằng này chạy đi diệt dân thường các ông có thấy nhục không?
Vừa gợi lòng trung vừa gợi lòng nhân nghĩa, vừa là hỏi ý vừa ép người ta phải theo mình, xin tặng nhị hoàng tử hai chữ “phúc hắc” ở đây. Khi quyết định rồi thì dẫn binh không chần chừ. Phải nói thêm một điều là từ khi Xương Văn bị “cưỡng chế” nhận làm con nuôi cho đến khi khiến Dương Tam Kha hoàn toàn tin tưởng mà giao binh cho đi khỏi kinh thành, quá trình này mất 6 năm, chứng tỏ đây cũng là một con người hết sức nhẫn nại.
Xin trích lời bàn của Ngô Thì Sĩ trong “Việt sử tiêu án”: “Hậu Ngô Vương (ý chỉ Xương Văn) ở chỗ thâm cung, nên tặc thần không ngờ đến, ở giữa đường quay về, mà chư tướng không dám trái ý, truất phục được kẻ gian tà dễ như thay bàn cờ, mười lăm năm giữ cơ nghiệp, đáng gọi là lương chúa, đẻ con như thế Ngô Quyền cũng như là không chết”.
Như vậy, mặc dù sự việc lật đổ Dương Tam Kha của Ngô Xương Văn chỉ được ghi chép hết sức ngắn ngọn trong sử ký, nhưng cũng có thể thấy được Xương Văn là người nhẫn nại, khôn khéo và quyết đoán thế nào.

4, Vị vua đầy lòng nhân nghĩa và khiêm nhường:
Sau khi lật đổ Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn không đem giết (dù nhiều người khuyên phải giết đi), mà chỉ giáng ông cậu xuống làm Chương Dương công, ban cho thực ấp Chương Dương độ, đây là nghĩ đến nỗi khó xử của mẹ và ơn nuôi dưỡng (cũng không giết) của Dương Tam Kha.
Năm 950, Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa, sai người đón anh trai là Ngô Xương Ngập về cùng trị nước. Ngô Xương Ngập cũng lên làm vua, xưng Thiên Sách Vương. Thế là một nước hai vua (suy nghĩ hài hòa nhân ái tốt đẹp của anh chính là mầm mống của tai vạ đó Xương Văn ạ).
Thiên Sách Vương? Thiên Sách? Có ai thấy cái tên “Thiên Sách” này quen không? Nghe đâu bên nhà Đường cách đó mấy trăm năm có một cái Thiên Sách phủ do Lý Thế Dân lập ra khi còn là Tần Vương, chuyên xử lý chuyện giang hồ. Mà cái tên Lý Thế Dân thì luôn gắn với bê bối huynh đệ tương tàn, thế là thật trùng hợp, Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập bên ta cũng ghi dấu ấn hào nhoáng trong chuyện chèn ép anh em.
Xương Ngập vừa lên ngôi đã chuyên quyền, không cho Xương Văn tham gia chính sự, còn định trừ khử Xương Văn để một mình làm vua.
Xin lấy lời bình của sử thần Ngô Sĩ Liên thay ý kiến người viết: “Nam Tấn (tức Xương Văn) đón Xương Ngập về để cùng trông coi chính sự, có thể gọi là người biết kính anh, muốn cho cùng hưởng phú quý. Xương Ngập nên lấy sự mình không có công lao mà nhường ngôi cho em, để cùng hưởng lập, thì đức ấy há chẳng rạng rỡ lớn lao ư? Lại câu nệ về phận đích trưởng, cũng xưng vương, trông coi chính sự, lại chuyên quyền làm oai làm phúc, đến nỗi Nam Tấn Vương không được dự chính sự nữa, thật là mất đạo nghĩa anh em, chí thú rất là ti tiện”.
Đúng thật là, ông anh này rất là mất nết, bản thân không công lao gì, ngôi vua là do em trai dùng cái mạng ra giật lại, mời anh về làm vua, anh lại vì sĩ diện hão mà chuyên quyền, không cho em trai can dự vào chính sự, quá đáng!
Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh chết (không sách nào nói rõ bệnh gì mà đến nỗi chết trẻ vậy, bị Dương Tam Kha ám chết?), Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn một mình trị nước. Sau đó thì tiếp tục xảy ra một vài sự kiện thể hiện tinh thần đối nội và đối ngoại của Xương Văn, ví dụ như tìm cách không gặp sứ Nam Hán để không phải “thần phục” kẻ địch từng thua dưới tay ông ngoại và cha mình, hay tự mình đem quân đi dẹp loạn nhiều nơi trong nước.
Cuối cùng, vào năm 965, Ngô Xương Văn đem quân đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình thì bị phục binh bắn nỏ trúng, tử trận.
Lại là hai thôn Đường – Nguyễn ở Sơn Tây, khi xưa, Xương Văn mang quân đi đánh giả, không đánh mà quay binh về triều, nhờ đó giành được ngôi vua, ngày nay Xương Văn đem quân đi đánh thật thì trúng mai phục mà chết, thành tại nơi này bại tại nơi này, đúng là cái vòng luẩn quẩn.
Đến đây, cần nói thêm một chi tiết nữa, đó là sau khi Xương Văn chết thì người nối ngôi lại là Ngô Xương Xí – con trai của Ngô Xương Ngập chứ không phải con của chính mình, mặc dù quá trình ở ngôi 15 năm của Xương Văn đủ sinh được ít nhất vài đứa con trai và bản lĩnh làm vua cũng có thể xóa đi chấp niệm trưởng thứ trong đầu nhiều người thủ cựu. Thế mà Xương Văn lại lựa chọn Xương Xí làm người nối ngôi, đến đây lại phải thêm một lần cảm thán về tình cảm gia đình quá là thuần khiết của Xương Văn.
Ngô Xương Văn trước bị quyền thần Dương Tam Kha giam giữ, sau bị anh trai Ngô Xương Ngập áp chế, vậy mà vẫn tha tội cho Bình Vương, thể hiện sự nhân nghĩa, lại đón anh trai về cùng làm vua và chịu nhịn để anh trai lộng hành, thể hiện sự cung kính khiêm nhường, cuối cùng trả ngôi vua về cho dòng trưởng, thể hiện lễ hiếu; trong lịch sử không thiếu những vụ việc em trai lên làm vua thì đuổi cùng giết tận ông anh, giết sạch mấy lão quyền thần báo thù rửa hận, chứ còn nhân nghĩa lễ hiếu kính như Xương Văn thì thật là hiếm thấy.
Một lần nữa mượn lời của Ngô Thì Sĩ để chốt lại (mình rất thích lời bàn của bác này):“[…] xét bản tâm của Xương Văn biết cung kính anh, để kính nhường dòng con trưởng, không giết cậu, để mẹ được yên lòng, cũng là người có tư chất tốt, không thế, thì nếu không giết anh là Xương Ngập, cũng không để Tam Kha được sống. Duy chỉ có lỗi là để lộ cơ mưu, đến nỗi bị mũi tên lạc, chí khí hăng hái của thiếu niên chưa bỏ đi được, là đáng tiếc đó thôi” (Việt sử tiêu án).

5, Kết luận và YY:
Chuyên mục này dành riêng cho fangirl, thanh niên yêu sử nghiêm túc chớ có đọc nha.
 Nếu như Tư Tề bị em trai chèn ép, thì Xương Văn lại nếm trái đắng từ phía anh trai mình. Đây là một chuyện rất ngược đời, rất hiếm hoi, như tui đã nói, chuyện em lên làm vua mà vờn anh đến đuổi cùng giết tận không hiếm, nhưng chuyện em lên làm vua mà vẫn yêu thương nhẫn nại quan tâm che chở dung túng cho ông anh, rồi lại set up con anh làm người nối ngôi thì đúng là trên đời có một. Rốt cuộc Xương Văn anh bị làm sao? Bị luyến huynh sao? Mối quan hệ và sự dung thứ của anh dành cho ông cậu Dương Tam Kha cũng không bình thường. Nói chung… rất khó nói, thôi nói đến đây thôi, các vị tự YY đi :v

Post a Comment

Thục Thiên Mộng Hoa Lục