[THÍCH KHÁCH LIỆT TRUYỆN] LĂNG QUANG -
XIN ĐỪNG VÌ AI MÀ RƠI LỆ NỮA
“Đời
này chỉ vì gặp được người
Ta dốc
cạn sức mình ở nơi đây ngâm nga hồi ức
Chỉ
vì được gặp được người trong đời
Cho
dù thân tàn nào có tiếc chi?”
Vừa nghe “Nhất sinh nhất ngộ” của Đại
Phong vừa gõ những dòng này, cuối cùng cũng đến cái ngày, một quốc gia binh
hùng tướng mạnh, quốc lực dồi dào như Thiên Tuyền rơi vào mạt lộ rồi.
Tính ra Lăng Quang không phải là một đấng
hiền quân, so với một Mạnh Chương nhân hậu hết lòng lo nghĩ cho dân chúng của
phần một, hay một Dục Kiêu tỏa đầy khí chất nhân nghĩa của phần hai, Lăng Quang
đều không thể lấy chữ “nhân nghĩa” hay “hiền đức” ra để hình dung được, nhưng lại
tỏa ra đầy phong phạm đế vương. Không biết là do Lăng Quang may mắn hay là biết
thu phục lòng người, mà người xung quanh đều hết lòng tận trung tận lực. Thiên
Ki có một quốc sư luôn tìm cách quấy phá thượng tướng, Thiên Xu có tam đại thế
tộc không ngừng chèn ép quân vương, nhưng Thiên Tuyền từ đầu đến cuối trên dưới
đồng lòng, từ quan lại đại thần cho đến những người lính vô danh tiểu tốt đều dốc
sức bảo vệ vương thượng cả (Đề nghị Liên hợp quốc Quân Thiên trao cho Thiên Tuyền
danh hiệu “triều đình văn hóa”).
Lơ là việc nước suốt một thời gian dài,
Lăng Quang có thể xem là may mắn khi vẫn luôn có những người thay mình gánh vác
đại sự, chỉ là, giúp người chống đỡ nhất thời, cũng không thể giúp người chống
đỡ cả đời, là một quân vương, đáng lẽ Lăng Quang không nên quá đa tình, quá cảm
tính, quá bốc đồng như vậy.
![]() |
Lăng Quang chìm trong men rượu |
Chỉ vì tình cảm, Lăng Quang có thể nói
ra những câu như “cô vương còn xá gì một thân gân cốt này nữa”, “nếu người đó
có thể trở về thì đến vương vị này cô vương cũng không cần”, đây là lời mà một
người từng có tham vọng xưng bá thiên hạ có thể nói ra sao?
Thế nhưng, bản thân Lăng Quang chính là
như vậy, tưởng ở chỗ cao cao tại thượng, lại ôm thứ tình cảm quá yếu ớt của con
người.
Lăng Quang từng nói, không ai có thể
thay thế vị trí của Cừu Chấn trong lòng mình.
Lăng Quang cũng từng nói, bản thân không
nợ bất kỳ ai trên đời, chỉ nợ một mình Cừu Chấn.
Chữ “nợ” này, nếu đặt vào một bộ phim
quyền mưu chính kịch bình thường, bạn sẽ thấy rất nực cười. Đã dựng nghiệp đế
vương có ai chưa từng nợ? Nợ nhân nợ nghĩa nợ máu nợ thù, nếu bất cứ ai ngã xuống
mà quân vương đều mang một món nợ, thì nợ của quân vương đã chồng chất ngàn đời
chẳng trả cho xong.
Nhưng đặt vào một nơi không thể nói toạc
chữ “tình”, thì đành thay bằng chữ “nợ”, mọi chuyện lại trở nên dễ hiểu vô
cùng.
Cho nên, khi Lăng Quang nói rằng đời này
cô vương chưa từng nợ ai, chỉ nợ một mình Cừu Chấn, thì tôi đã hiểu, Công Tôn
chung quy vẫn chỉ là một cái bóng không hơn. Cuối phần một tôi từng nói, giữa
Công Tôn và Lăng Quang chỉ có nghĩa quân thần, việc Công Tôn quay lại trong
lòng Lăng Quang phần hai, cũng chỉ để an ủi fan CP nhà Kiên Quang mà thôi. Rõ
ràng Công Tôn không chết vì Thiên Tuyền, không chết vì Lăng Quang, mà chết
trong tay “chí hữu”, chết trong khi chơi một ván cờ, nhấp trà đàm đạo, chứ
không phải hi sinh trên chiến trường. Thậm chí lý do Mộ Dung Ly giết Công Tôn
cũng chẳng phải vì Công Tôn định dẫn binh chống Nam Túc bảo vệ Thiên Tuyền, mà
chỉ vì Công Tôn đã giết một tử sĩ mà A Húc để lại cho Mộ Dung Ly. Thân là chủ
tướng, chưa dẫn binh ra chiến trường đã bỏ mạng; thân là thần tử, chưa kịp bảo
vệ vương thượng đã mất mạng; chết như vậy không bị mắng chửi thì thôi, lấy gì
ra cho người ta thương nhớ? Cho nên Lăng Quang đối với Công Tôn cho dù có hổ thẹn,
cũng là hổ thẹn vì đã để Công Tôn thay mình chèo chống đất nước bao năm, chứ
không hề hổ thẹn vì cái chết của Công Tôn, cũng chẳng nợ nần tình cảm hay có vướng
mắc gì với Công Tôn cả. Từ đầu đến cuối, Công Tôn đã sắm vai một cái bóng đèn
cao áp sáng nhất lục địa Quân Thiên.
Khi Cố Thập An xuất hiện, khí tức và giọng
nói quen thuộc khiến Lăng Quang vô cùng hoài nghi, nhưng lại không cách nào khẳng
định, nhiều lần thử Cố Thập An đều nhận lấy thất vọng, trái tim Lăng Quang chết
hẳn rồi, không cách nào tin vào thứ gọi là “chết đi sống lại” nữa.
Có lẽ nhiều người còn thắc mắc tại sao Cố
Thập An lại phủ nhận mình là Cừu Chấn, vậy cứ thử nghĩ đến nguyên nhân tại sao
Cừu Chấn lại tự sát là được. Cừu Chấn day dứt về người thân, lại nợ Cẩn Khôn đế
một mạng, quan trọng nhất, y cho rằng mình chết đi có thể gánh thay mọi tội lỗi,
tránh tiếng xấu tiếng ác cho Lăng Quang, giúp cho bá nghiệp của Lăng Quang
không gặp trở ngại. Đến phần hai, chính Cấn Mặc Trì cũng đã cảnh cáo Cố tướng
quân, rằng nếu hiện tại thừa nhận mình là Cừu Chấn thì khác nào thông báo cho
toàn thiên hạ biết chính Thiên Tuyền sai người giết Thiên hạ cộng chủ, liên
quân sẽ càng có thêm danh nghĩa thảo phạt Thiên Tuyền (Dù sao đối với các nước
nằm trong Quân Thiên đại lục thì đế chế Quân Thiên vẫn là mẫu quốc, Thiên Tuyền
diệt Quân Thiên khác nào con diệt mẹ, trời đất khó dung), khi ấy Thiên Tuyền sẽ
bị dồn vào đường cùng, đã thua về binh lực, lại thua cả tính chính nghĩa, mất cả
lòng binh lẫn lòng dân, thì làm sao xoay chuyển cục diện được nữa?
Cừu Chấn vì không để Lăng Quang chịu tiếng
ác mà tự sát trước mặt quần thần, lại không biết Lăng Quang vốn chẳng để tâm gì
cái ô danh ấy.
Lăng Quang vì di thể Cừu Chấn bị trộm mất
mà nộ khí xung thiên lao ra chiến trường, lại không ngờ di vật hay di thể chẳng
đáng là gì với Cố tướng quân.
Hai người này ai ngốc hơn ai? Ai lụy hơn
ai?
Cừu Chấn của phần một không phải người
hành động bồng bột theo cảm tính, trong lòng có suy tính thiệt hơn, lo cho an
nguy của nước nhà, rồi mới lo lắng cho bản thân vương thượng. Thật ra tôi không
thích nhân vật Cừu Chấn cho lắm. Tôi luôn có cảm giác Cừu Chấn khá lạnh lùng với
Lăng Quang, trừ đi những khúc mắc xung quanh nhân vật, thì có vẻ như diễn xuất
của Thần Tường không làm nổi bật được mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm Cừu Chấn,
ánh mắt và biểu cảm khá cứng, đơn nhất một chiều. Cảnh duy nhất tôi thấy Cừu Chấn
đẹp là khi Cừu Chấn chết, mắt nhắm lại nằm im trong lòng vương thượng, lúc ấy
không cần biểu cảm gì nữa, hết yêu cầu về diễn xuất, chỉ ngắm gương mặt thôi
thì mới thấy đẹp (Xin lỗi fan Thần Tường).
Đến phần hai thì tôi lại thích Cố Thập
An vô hạn, và luôn có cảm giác Cố Thập An và Cừu Chấn là hai người hoàn toàn
khác nhau, chỉ là Cố Thập An mang trong mình kí ức của Cừu Chấn mà thôi. Cừu Chấn,
Công Tôn, Cố Thập An, trong lòng cả ba người đều có Lăng Quang, nhưng ở cấp độ
khác nhau, Cừu Chấn ngoài Lăng Quang còn suy nghĩ cho gia quốc, Công Tôn ngoài
Lăng Quang còn mang lý tưởng thiên hạ, chỉ có Cố Thập An, từ đầu đến cuối trong
lòng chỉ có một mình Lăng Quang. Nếu như không phải chấp niệm của Lăng Quang
dành cho Cừu Chấn quá sâu, nếu như không phải muốn vua của mình được ra đi
thanh thản, thì tôi thà tin rằng Cừu Chấn và Cố Thập An là hai người hoàn toàn
khác biệt.
Cố Thập An trở về khi nước nhà lâm nguy,
cho rằng chỉ cần ở bên cạnh Lăng Quang, chinh chiến sa trường, bảo vệ quốc thổ,
thì Lăng Quang có thể bình yên thanh thản sống tiếp. Nhưng anh đã nhầm, Lăng
Quang mãi mãi không thể buông bỏ ám ảnh đối với Cừu Chấn mà thanh thản sống tiếp
được. Mãi đến khi nghe tin di thể trong cung biến mất, Cố Thập An không muốn phải
nhìn thấy vua của mình đau đớn tột cùng tổn hại đến thân thể thì mới chính miệng
thừa nhận mình là Cừu Chấn, chỉ không ngờ, Lăng Quang lúc ấy đã tuyệt vọng rồi,
không còn tin điều hoang đường này nữa.
“Cừu
Chấn đã chết rồi, không ai có thể thay thế địa vị của Cừu Chấn trong lòng cô
vương. Cô vương biết Cố tiên sinh một lòng vì nước, muốn cô vương phấn chấn trở
lại mới nói ra những lời nực cười như thế, nhưng cô vương hi vọng Cố tướng quân
đừng có nói nữa, tránh ảnh hưởng đến tình cảm quân thần”.
Nếu như không phải vô tình nhìn thấy vết
sẹo của Cố Thập An, có lẽ Lăng Quang sẽ ra đi trong mờ mịt vô định mãi. Nhưng
Lăng Quang đã thấy, đó là vết thương của Cừu Chấn, vết thương bắt đầu tất cả khổ
đau của Lăng Quang, sao người không nhận ra được chứ? Chỉ là lúc ấy Lăng Quang
đang ở trên chiến trường, đã không còn đường lui, cho dù muốn bù đắp lại cho Cừu
Chấn thì cũng đã không còn thời gian và cơ hội nữa, điều duy nhất Lăng Quang có
thể làm được chính là thay Cố Thập An chặn vạn mũi tên. Xưa nay chỉ có thần tử
chết thay quân vương, há có cái lý quân vương chết thay thần tử? Nhưng với Lăng
Quang lại có thể, người có thể sẵn sàng vứt bỏ vương vị, thì tính mạng xá kể là
gì?
“Rõ
ràng ngươi đã nói trắng ra với cô vương như vậy, tiếc thay cô vương lại đần độn
chẳng tin, mãi vừa rồi mới sực tỉnh lại. Năm đó ngươi thay cô vương lãnh một
đao, giờ cô vương thay ngươi nhận vạn tiễn, chúng ta huề nhau rồi.”
“Cừu
Chấn, cô vương thật không ngờ còn có thể gặp lại ngươi.”
Tâm của Lăng Quang vốn là nơi yếu nhất,
chết bằng cách vạn tiễn xuyên tâm, đủ đẹp rồi.
Nước mắt của Lăng Quang vốn là nhiều nhất,
chết đi rồi trời đất đổ một trận mưa ròng rã, đủ đẹp rồi.
Lăng vương – xin đừng vì ai mà rơi lệ nữa!
ĐÔI ĐIỀU NHẬN XÉT VỀ LỮ VÂN PHONG:
Xưa nay tôi thường chỉ bàn nhân vật,
không bàn diễn viên, nhưng lại đột nhiên cảm thấy nếu không nói đến Đại Phong
thì thật có lỗi, chính cậu ấy đã đưa đến cho chúng ta một Lăng Quang sống động
như vậy mà.
Có một cảnh tôi cảm thấy rất tâm đắc với
diễn xuất của Đại Phong. Đó là khi Cố Thập An nói với vương thượng trong quân
doanh có gian tế, Lăng Quang nghe xong chỉ cười nhạt, thế nhưng đến khi Lăng
Quang hỏi Cố tướng quân tạo sao lại trung thành với mình, Cố tướng đáp vì người
là vương thượng, là hi vọng của con dân Thiên Tuyền, thì Lăng Quang đã nở nụ cười
đầy mỉa mai: “Chỉ thế thôi? Vậy nếu như Thiên Tuyền vương là người khác, khanh
cũng sẽ hết lòng trung thành với người đó đúng không?”. Cả phân đoạn này, biểu
cảm của Lăng Quang tăng tiến dần lên rất tinh tế, khiến tôi cảm nhận được một
Lăng Quang đầy cô đơn và thất vọng trong nụ cười hư vô tự giễu ấy. Rất thích rất
thích cảnh này, thích luôn cả bộ trang phục tím đậm in hình Chu Tước của Lăng
vương, hình ảnh Lăng Quang trong trang phục đơn giản, tay áo buộc gọn, dây lưng
thắt chặt, xoay mạnh người sải bước rời đi thật sự tiêu sái khí phách, kiên quyết
dứt khoát không gì sánh được.
Điều đáng tiếc duy nhất của nhân vật
Lăng Quang chính là vấn đề phối âm. Lữ Vân Phong tốt nghiệp hệ MC có chất giọng
to rõ, trầm ổn, vững vàng, đầy khí phách; giọng phối âm yếu ớt mệt mỏi của phần
một rất phù hợp với hình ảnh Lăng Quang khi ấy, nhưng Lăng Quang của phần hai
có rất nhiều phân cảnh thể hiện cảm xúc bộc phát tột đỉnh đa dạng, rõ ràng giọng
gốc trong các video hậu trường rất tốt, khi phối âm vào lại giảm đi khí thế rất
nhiều.
Lăng Quang là người hỉ nộ đều thể hiện
ra mặt, có những cảnh khắc họa cảm xúc rất sâu và rất đối lập nhau. Khi uy nghi
cầm lá thư chất vấn Cấn Mặc Trì, khi thịnh nộ hất tấu chương mắng đám người hạ
độc vô sỉ, khi nổi cơn lôi đình ra lệnh chém sứ giả, từng cung bậc ấy đều được
thể hiện rất khác biệt, rất rõ ràng, khiến cho người ta nhìn thấy một đế vương
tràn đầy uy nghi và bá khí. Ngược lại, những lúc Lăng Quang ngờ vực, hoang
mang, hoài nghi, thăm dò Cố Thập An thì lại tạo cảm giác yếu ớt mong manh đến
vô hạn. Lăng Quang của phần hai gần như khác hoàn toàn so với phần một, nhưng lại
thống nhất hoàn chỉnh không một kẽ hở. Cảm ơn Đại Phong đã mang đến cho chúng
ta một Lăng Quang chân thật đến vậy. Như Đại Phong nói, cậu ấy muốn cho mọi người
có cảm giác Lăng Quang phần hai như sống lại, và cậu ấy thật sự đã làm được rồi.
Lăng Quang của phần hai là Lăng Quang đẹp nhất, sống trọn vẹn năng lượng nhất,
mọi thứ cảm xúc hỉ nộ ái ố tham sân si đều đã bộc phát hoàn toàn và lên đến đỉnh
điểm rồi. Lăng Quang của phần một sống 29 tập như một, Lăng Quang của phần hai
sống mỗi tập đều như cả cuộc đời.
Tiếc cho anh quá Công Tôn, người duy nhất
từ đầu đến cuối chưa từng được thấy khí chất quân vương ngạo nghễ của Lăng
vương chính là anh đó.
Thật ra nếu Thiên Tuyền mất nước ở phần
một, tôi sẽ chỉ thở than một chút rồi quên, tiếc cho một lam nhan đoản mệnh, chứ
không kèm theo nhiều thứ cảm xúc hỗn tạp thế này. Lăng Quang khi ấy là một quốc
chủ không những không lo việc nước, mà đến chính bản thân mình cũng không muốn
lo, bạc đãi bỏ quên mình đến hao mòn tiều tụy, thì còn giữ lấy vương vị làm gì?
Nhưng Lăng Quang phần hai lại đẹp đẽ uy nghi ngạo nghễ quyết tuyệt như vậy, bảo
người xem sao đành? Thôi thì, cảm ơn biên kịch đã để cho vua của tôi chết lúc
này, chết trong hình tượng tuyệt vời nhất, để hình ảnh Lăng Quang vương đẹp đẽ
trọn vẹn trong lòng người xem.
TỔNG KẾT:
Cố sự Thiên Tuyền đến đây khép lại, từ
nay Tích Vũ sẽ không viết về Lăng Quang vương nữa, chúc cư dân Thiên Tuyền sớm
tìm được minh chủ mới. Còn Tích Vũ sẽ đi theo A Trọng tìm xác Công Tôn đây, dù
sao lão cũng từng là quốc sĩ Thiên Tuyền, còn là lang quân hờ có tiếng không có
miếng của Lăng vương, không nên để lão trôi nổi vất vưởng nhân gian mãi như vậy
mất mặt ngô vương lắm, à còn phải ám quẻ Bố rùa đen sống dai nào đó nữa, dám
cho người bắn tên vào ngô vương thì không bố con gì hết nhé, GIẾT!!!
2 comments
Theo A Trọng là có thể tìm thấy Công Tôn, A Trọng không để cho Công Tôn chết mất xác mất cả quần áo cứ thế trôi nổi nhân gian đâu haha
Post a Comment