Lê Tư Tề là một hoàng tử có năng lực và đức độ, song số phận lại gặp phải những bi kịch đầy oan khuất, trở thành nạn nhân của cuộc tranh giành quyền lực chốn cung đình.
LÊ TƯ TỀ - NẠN NHÂN CỦA SỰ THIÊN VỊ VÀ TRANH CHẤP QUYỀN
LỰC CHỐN CUNG ĐÌNH
Viết bởi Tích Vũ
Lời ngỏ: Tích Vũ đang thực hiện
một chiến dịch mang tầm vóc thiên niên kỷ (Thật là thiên niên kỷ chứ chả chơi,
vì hành trình mò cua bắt ốc này phải quét qua dọc đường mấy ngàn năm lịch sử)
nhằm tổng hợp, phân tích, đánh giá về các nhân vật lịch sử bị cuốn vào vòng
xoáy của những cuộc cung đình tranh đấu, loạn thế phân tranh, quốc hận gia hận,
tương ái tương sát… vô cùng bi ai, vô cùng mùi mẫn *lau nước mắt* (Và tất
nhiên, có khả năng trở thành hình mẫu tiểu thụ hoặc tiểu công mẫu mực nếu như
ai đó muốn viết đam mỹ Việt) Mở đầu chiến dịch này là bài đánh giá về một vị
hoàng tử có thể nói là “lam nhan bạc mệnh” nhất trong cung đình nhà Lê – Lê Tư
Tề. Nói chung những bài viết kiểu này sẽ nhiều sự kiện ít tình cảm, nhiều sử
sách ít văn chương, khả năng sẽ khá nhàm chán (Liệu có nên khai thác cả hint
vào để cổ vũ tinh thần người đọc không nhỉ?) Mong chư vị hiểu cho nỗi lòng
chính trực và ngay thẳng của Tích Vũ. Tích Vũ không muốn bị các thanh niên yêu
nước nhảy vào gạch đá vỡ đầu đâu.
1, Lê Tư Tề là ai?
Sử sách không đề cập đến năm sinh
của Lê Tư Tề, tuy nhiên Tư Tề là con trưởng của Thái Tổ Lê Lợi. Mà Lê Lợi sinh
năm 1385, cứ cho là Lê Lợi 15 tuổi đã lấy vợ sinh con, thì Tư Tề sớm nhất cũng
chỉ được sinh ra trong khoảng từ 1402 – 1405. Tư Tề mất năm 1438, như vậy qua đời
khi tuổi đời chỉ trên dưới ba mươi. Kết luận: Lam nhan bạc phận! (Bạc ra sao
thì phần sau sẽ rõ!)
Mẹ của Tư Tề là bà Trịnh Thị Lữ
(mất và được truy phong là Trịnh Thần Phi vào thời Lê Nhân Tông)[1].
2, Những
mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời Lê Tư Tề
Cuộc đời Tư Tề được tóm gọn trong
những mốc quan trọng sau:
Năm
|
Sự kiện
|
Vai trò
|
Tước phong
|
1418
|
Lê Lợi chính thức phất cờ khởi
nghĩa Lam Sơn.
|
Theo cha khởi nghĩa đánh quân
Minh.
|
|
1426
|
Lê Lợi lập Trần Cảo làm vua
theo yêu sách của tướng nhà Minh.
|
Thị trung
|
|
1427/6
|
Tư đồ
|
||
1427/11
|
Lê Lợi cùng Vương Thông giảng
hòa, trao đổi con tin.
|
Tư Tề cùng Lưu Nhân Chú [2]
vào thành Đông Quan làm con tin.
|
|
1427/12
|
Lê Lợi cùng Vương Thông làm lễ
tại Hội thề Đông Quan.
|
Vương Thông rút quân về nước,
Lê Tư Tề trở về.
|
|
1428
|
Lê Lợi lên ngôi vua, tức Lê
Thái Tổ, chính thức dựng triều Hậu Lê, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở
Thăng Long.
|
Hữu tướng quốc, tước quận vương
|
|
1429
|
Lê Lợi lập Lê Nguyên Long (con
thứ, khi đó mới 6 tuổi) làm Thái tử
|
Quốc vương
|
|
1431
|
Thái Tổ già yếu bệnh tật.
|
Tư Tề tạm coi việc nước
|
Quốc vương
|
1432
|
Tù trưởng Đèo Cát Hãn ở châu Phục
Lễ nổi loạn.
|
Tư Tề được lệnh lĩnh quân dẹp
giặt, bức hàng Cát Hãn và con là Đèo Mạnh Vượng.
|
Quốc vương
|
1433
|
Thái Tổ qua đời, Nguyên Long (tức
Thái Tông) nối ngôi. Lê Sát nắm quyền phụ chính
|
Quận Vương
|
|
1434
|
Bị cấm cố, giám sát, cô lập,
không được tiếp xúc với quan lại và không được vào triều.
|
Quận Vương
|
|
1438
|
Thái Tông khôn lớn, tự nắm quyền
trong triều.
|
Lê Sát và Lê Ngân bị giết, Tư Tề
bị phế truất làm dân thường.
|
Dân thường
|
1438
|
Qua đời
|
(Truy phong) Quận Ai Vương
|
3, Lê Tư
Tề - Nạn nhân của sự thiên vị
Thái Tổ Lê Lợi chỉ có hai người
con trai: Trưởng tử Lê Tư Tề và thứ tử Lê Nguyên Long.
Thoạt nhìn qua, Lê Tư Tề hoàn
toàn phù hợp và xứng đáng với địa vị Thái tử chứ không phải Lê Nguyên Long. Tư
Tề là con trưởng, theo cha đánh giặc từ buổi đầu dựng nước, thậm chí từng phải
theo quân Minh làm con tin, sau này cha lên ngôi và đau yếu thì thay thế cha
nhiếp chính trông coi mọi việc lớn nhỏ trong triều, thế nhưng lại chỉ được lập
làm Quốc vương tạm thời chứ không phải Thái tử để nối ngôi, dần dần bị giáng chức
và cô lập khi cậu em Thái tử thẳng tiến ngôi vua.
Ban đầu,
Thái Tổ có ý định để Tư Tề nối ngôi trước, sau đó sẽ truyền cho Nguyên Long
Năm Thuận Thiên thứ hai (1429),
Thái Tổ ban chiếu sắc phong Tư Tề làm Quốc vương và Nguyên Long làm Hoàng Thái
tử, với ý định để Tư Tề làm vua trước, sau đó truyền ngôi cho Nguyên Long. Trong
tờ chiếu phong tước của ông có nói rõ ý định đó:
“Đạo
kinh luân thiên hạ, phải tính ban đầu để yên lúc cuối, phải lập pháp luật để
lưu về sau. Thế cho nên, cha làm con nối, đạo nhà tất hanh thông; anh truyền em
tiếp, nền nước sẽ vững bền. Các bậc đế vương thời xưa, lo tính công việc rất
xâu và xa.
[…]
Như Tư Tề
(con trưởng) hiện đã lớn tuổi, vào hạng thành thân. Tuy liệu việc chưa được kín
đáo tinh vi cho lắm, nhưng mắt thấy tai nghe, cũng đã từng trải qua nhiều việc.
Hãy cho tạm coi việc nước, để giúp đỡ trẫm. Nguyên Long (con thứ), tính tuy
minh mẫn nhưng tuổi còn non, hãy nên nuôi dưỡng trong Thanh Cung, chờ ngày đức
tính đầy đủ. Khi nào Tư Tề lên ngôi chấp chính, thì lúc ấy Nguyên Long lại lo
việc nước việc quân. Đó là theo việc đã làm của thời Triệu Tống[3] xưa. Con cháu đời sau
cũng nên theo nghĩa truyền ngôi như vậy mãi mãi. Sau đây hoặc có kẻ nào không
theo lời trẫm, bàn luận trái lại, viện dẫn lời chê Triệu Phổ nhầm lẫn[4], để thay đổi phép nhất
định trong tờ chiếu này, thì kẻ ấy chỉ là phường siểm nịnh, chực đem mưu gian để
tính kế sẽ được như Vương Mãng và Tào Tháo[5], chứ không phải tận
trung với nước, pháp luật tất không tha.”
Thái Tổ còn soạn bài “Hậu tự huấn”
để răn dạy Quốc vương Tư Tề và Thái tử Nguyên Long, trong đó có nói rõ: “Nếu không răn dạy ngay lúc ban đầu, cho biết
sợ hãi cảm kích, thì đâu biết hết đạo nối ngôi, mà ban phúc cho thiên hạ.”
Nhưng
sau đó, Thái Tổ lại phế Tư Tề và truyền ngôi trực tiếp cho Nguyên Long
Vì sao Thái Tổ lại thiên vị cậu
con nhỏ Nguyên Long ra mặt như thế?
Vì
Nguyên Long là đích tử (con vợ cả)?
Mặc dù vua Lê Lợi sau khi lên
ngôi không lập hoàng hậu, nhưng điều này cũng không ngăn cản được việc ông coi
ai đó là chính thất. Mẹ của Nguyên Long – bà Phạm Thị Ngọc Trần rất có khả năng
là chính thất của Lê Lợi và được xem là Hoàng hậu mặc dù bà đã mất trước khi Lê
Lợi lên ngôi. Dẫn chứng cho điều này, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi lại
rằng, sau khi lên ngôi, Lê Lợi cho ban 7 chữ húy: “Hiển Tổ Chiêu Đức Hoàng Đế húy là Đinh, Hiển Tổ Tỷ Gia Thục Hoàng Thái
Hậu húy là Quách, Tuyên Tổ Hiến Văn Hoàng Đế húy là Khoáng, Trinh Từ Ý Văn
Hoàng Thái Hậu húy là Thương, huý của vua là Lợi, của hoàng hậu là Trần, của anh vua là Học.”[6] Nói cho dễ hiểu, 7
tên húy này bao gồm tên ông nội, bà nội, cha, mẹ, anh trai, bản thân Lê Lợi, và
một người vợ tên Trần. Vị “hoàng hậu” tên Trần này là ai? Trong số những thê
thiếp của Lê Lợi chỉ có một người duy nhất tên Trần, chính là bà Phạm Thị Ngọc
Trần – mẹ của Nguyên Long. Như vậy ngay từ đầu vua Lê Lợi đã coi bà Phạm Thị Ngọc
Trần là chính thất và đương nhiên theo đó, Nguyên Long chính là đích tử.
Vì một
giấc mơ?
Vẫn liên quan đến bà Phạm Thị Ngọc
Trần. Năm Ất Tỵ (1425), Bình Định Vương Lê Lợi vây thành Nghệ An, khi đến thành
Triều Khẩu ở Hưng Nguyên, có đền thờ thần Phổ Hộ, ông nằm mộng thấy một vị thần
đến xin một người thiếp và hứa sẽ phù hộ cho Lê Lợi đập tan quân nhà Minh. Lê Lợi
bèn đem chuyện này ra nói với các bà phi của mình, ai cũng đắn đo, duy chỉ có
Phạm Thị Ngọc Trần khẳng khái xin dâng mình cho thần nhân, chỉ xin Lê Lợi khi
thành nghiệp lớn hãy lập con của bà làm thái tử. Lê Lợi đồng ý rồi truyền quân
mở đàn tế lễ, đem bà tế cho thần. Khi đó Lê Nguyên Long chỉ mới ba tuổi, và được
giao cho người hầu thân cận của bà nuôi nấng.
Khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lại
lập con trưởng là Lê Tư Tề làm giám quốc lo triều chính mà quên mất Lê Nguyên
Long. Theo truyền thuyết, một hôm vua đang ngủ, bà Phạm quay về báo mộng trách
cứ vua quên công lao của mình, vua choàng tỉnh rồi truyền thân cận ra chiếu chỉ
lập Nguyên Long làm Hoàng thái tử, phế Tư Tề xuống làm Quận vương.
Hai lý do trên có vẻ hợp lý nhất,
chứ cái lý do mà Lê Lợi trực tiếp đưa ra:
con thứ Nguyên Long minh mẫn sáng dạ, thông minh hiểu chuyện, thì không lọt tai
một chút nào. Trẻ con năm bảy tuổi thì có thể bộc lộ được tố chất gì đáng kể? Nếu
so một người con đã trưởng thành, cùng mình xông pha trận mạc, gây thành dựng
nước, trải qua khói lửa tôi thân, gian nan đúc chí, và chưa từng bộc lộ thái độ
sai trái hay gây ra sai lầm cụ thể nào; với một thằng bé “minh mẫn sáng dạ”,
thông minh hiểu chuyện, thì ai xứng đáng làm Thái tử, ai có khả năng kế thừa đại
nghiệp hơn? Câu trả lời không cần nói cũng biết.
Còn nếu như bảo Lê Lợi làm vậy chỉ
là vì muốn anh em thuận hòa, cả nhà cùng hưởng phúc ấm, thì thật lòng, ngài lạc
quan một cách quá đáng rồi. Việc anh em truyền ngôi cho nhau, sau mới đến con
cháu, noi theo họ Triệu nhà Tống khi xưa, chính là mầm mống của tai họa. Lê Lợi
lặp lại đúng vết xe đổ của Đỗ Thái hậu nhà Tống. Trước khi chết, Đỗ Thái hậu
ban lại lời dặn, được Triệu Phổ lập thành một thệ ước gọi là Kim Quỹ chi minh,
theo đó các anh em Triệu Khuông Dận, Triệu Quang Nghĩa, Triệu Đình Mỹ sẽ lần lượt
truyền ngôi cho nhau, sau đó mới đến các con cháu. Để rồi ngay sau khi bà nhắm
mắt xuôi tay, Triệu Khuông Dận chết một cách bí ẩn, Triệu Đức Chiêu chết bất đắc
kỳ tử, Triệu Đức Phương chết non, Triệu Đình Mỹ bị đuổi đến Phòng Châu rồi cũng
bị hại chết, Triệu Nguyên Tá điên cuồng dở dại. Thảm kịch hoàng gia của một kẻ tham
quyền cố vị và muốn giữ lại ngôi vị cho con cháu của riêng mình khiến cho đời
sau ai nấy cũng phải thở dài. Giờ Lê Lợi lại học theo gương đó, muốn cho cả hai
con đều được làm vua, thế nên ngài lập một người làm Quốc vương, một người làm
Thái tử, với ý tưởng vĩ đại là chúng nó sẽ vui vẻ thuận hòa mà truyền ngôi cho
nhau. Ôi tấm lòng của ngài thật quá quảng đại! Bởi vì thế mà, Tư Tề à, huynh và
Đức Phương không hẹn mà cùng chết là đúng quá
rồi đó.
Thế nhưng sau đó, ý tưởng đó cũng
bị dẹp đi, và thay bằng việc giáng chức
Tư Tề, trực tiếp lập Nguyên Long vào vua. Lý do mà Lê Lợi đưa ra như sau:
“Làm tôi
phải trung, làm con phải hiếu, thế mà con trẫm là Tư Tề không trung hiếu với
cha mẹ, ngược đãi quần thần, khinh nhờn trời đất, không theo đạo của các đấng
tiên vương. Nay giáng tư tề xuống chức Quận Vương.” (Theo Khâm Định Việt Sử
Thông Giám Cương Mục)
Vấn đề là, Tư Tề đã làm việc gì “không
trung hiếu với cha mẹ”, “ngược đãi quần thần”, “khinh nhờn trời đất”, thì lại
không có sử sách nào chép lại. Hay nói đúng hơn, đây chỉ là cái cớ vu vơ mà Lê
Lợi nghĩ ra để giáng chức Tư Tề mà thôi.
(Cũng có tài liệu ghi rằng vì Tư
Tề “trở nên hoang dâm, mắc chứng điên cuồng, giết bừa các tỳ thiếp” nên không
làm vừa ý cha, vì thế mà bị phế bỏ. Chưa nói đến điều này có đúng hay không,
thì nó đã mâu thuẫn rành rành với tờ sắc vua ban rồi, vì chẳng liên quan gì đến
“không trung hiếu”, “ngược đãi quần thần”, “khinh nhờn trời đất” cả. Vậy nên mấy
cái lý do như hoang dâm hay điên cuồng chỉ là thứ vỗ về trẻ con thôi, gió mạnh
hơn cả bão Haiyan, không cần mang ra đây làm gì cả.)
Tựu chung lại, dù là lý do gì đi
nữa, thì việc Lê Lợi phế truất Tư Tề, lập Nguyên Long làm Thái tử cũng như truyền
ngôi cho Nguyên Long sau này cũng thể hiện sự thiên vị quá đáng và hành sự dựa
trên tình cảm của ông. Người chịu thiệt thòi và trở thành nạn nhân duy nhất
trong chuyện này chỉ có Lê Tư Tề mà thôi.
4, Lê Tư
Tề - nạn nhân của cuộc tranh giành quyền lực chốn cung đình
Tháng 8 năm 1433, Tư Tề bị giáng
xuống làm Quận vương, cuối tháng đó Thái Tổ qua đời, Thái tử Nguyên Long lên nối
ngôi (tức Lê Thái Tông), khi đó mới 11 tuổi.
Tháng 1 năm 1433, Thái Tông hạ lệnh
cô lập Tư Tề, không cho tiếp xúc với quan lại, không cho phép vào triều: “Từ nay về sau không được lui tới chỗ của Quận
Vương. Quận Vương nếu không có người đến gọi thì không được vào chầu. Kẻ nào
lén lút dẫn đầu, hoặc người coi cửa cho vào, cùng các quan nào lén lút đến nhà
Quận Vương đều bị trị tội nặng.”[7]
Mà lý do của lệnh chỉ này thì hết
sức mơ hồ: “Có ba đứa hầu chạy tới tâu rằng,
Quận Vương nói đều càn bậy, sai trái, cho nên có lệnh này”[8], hay “Tư Tề hay nói những lời quái gở càn bậy, bị
kẻ hầu cận cáo tỏ”[9].
Lời “quái gở”, “càn bậy”, “sai trái” là lời thế nào? Lại còn “ba đứa hầu chạy tới
tâu”, “bị kẻ hầu cận cáo tỏ” chứ không phải đích thân Thái Tông hay sử quan nào
chứng kiến ghi lại được, càng không ai chép lại được là ông đã nói những lời
càn bậy như thế nào. Như vậy có thể khẳng định, việc này là do Thái Tông bịa đặt
ra để cô lập Tư Tề. Việc cô lập Tư Tề với trăm quan và cấm không cho Tư Tề vào
triều càng cho thấy Tư Tề rất có uy tín và vô cùng tỉnh táo chứ không hề điên
khùng như phe Thái Tông vu cáo.
Ở thời điểm này, Lê Tư Tề khoảng
26 – 30 tuổi, còn Lê Nguyên Long mới 11 tuổi mà thôi. Đứa trẻ 11 tuổi chưa thể
có suy tính gì nhiều. Có thể nói việc xảy ra những bất công đối với Tư Tề trước
đó không liên quan gì đến Nguyên Long, việc lập Nguyên Long làm Thái tử cũng
như đưa cậu lên ngôi đều là tác phẩm của Lê Sát và lòng thiên vị của Thái Tổ.
Thế nhưng, những hành động sau này của Nguyên Long thì không thể bào chữa bằng
cách nào được nữa.
Bốn năm sau, tức năm 1438, lúc
này Nguyên Long đã 15 tuổi, tự cầm quyền trong triều và diệt trừ quyền thần Lê
Sát. Ở đây, phải khẳng định Thái Tông là người rất khôn ngoan và quyết đoán
trong việc tập trung dần quyền lực về tay mình và loại trừ các thế lực có thể
khống chế nhà vua. Thái Tông lên ngôi khi tuổi còn rất nhỏ, nhưng tầm nhìn lại
có vẻ khá xa, ngoài mặt tỏ ra nhu thuận khiến cho đại thần phụ chính Lê Sát ngày
càng đắc ý và lộng hành (“Lê Sát vẫn tham
quyền cố vị nên vua càng ghét Sát, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra bao dung”[10]). Sau đó Thái
Tông thực hiện từng bước gây mẫu thuẫn giữa các quan lại với Lê Sát, trừ bỏ dần
vây cánh của Lê Sát (“Vua cùng những người
hầu cận bàn mưu cho rằng Lê Ê, Lê Hiệu là người thân thích của Lê Sát, mà Trịnh
Khả thì trước có hiềm khích với Sát, bèn cho Lê Ê, Lê Hiệu ra ngoài và trao cấm
binh cho Trịnh Khả nắm giữ”[11]). Đến khi trị tội
Lê Sát thì Thái Tông cũng không phạt nặng mà chỉ bãi chức tước (“Vì Lê Sát là đại thần cố mệnh, có công với
nhà nước nên đặc cách khoan tha, song phải bãi hết chức tước”[12]), đồng thời nâng
Lê Ngân vốn cùng phe Lê Sát lên thay Lê Sát, tạo mâu thuẫn trong phe phái của
Lê Sát, đến khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm thì ra lệnh ban cho Lê Sát chết,
sau đó cũng giết nốt Lê Ngân, với lý do trong nhà Lê Ngân thờ phật Quan Âm để cầu
cho con gái là Huệ Phi được vua yêu chiều.
Kể ra ví dụ về quá trình diệt trừ
phe cánh Lê Sát và thâu tóm lại quyền lực về tay mình của Nguyên Long để thấy rằng,
vị vua nhỏ tuổi này vô cùng tỉnh táo và khôn ngoan, từng bước đi đều tính toán
rất thận trọng và hoàn toàn không để kẻ nào khống chế, hơn nữa, còn rất nhẫn
tâm. Lê Sát là người có công đầu trong việc đưa Nguyên Long lên làm Thái tử
cũng như làm vua sau này, giữ yên nước nhà cho Nguyên Long trong suốt mấy năm cậu
chưa đủ lông đủ cánh. Thế mà khi vừa trưởng thành rồi, Nguyên Long lập tức trừ
khử Lê Sát và những người thuộc phe cánh của ông. Một người như vậy, chắc chắn
sẽ không để cho một người anh trai có khả năng ảnh hưởng đến ngai vị của mình
tiếp tục tồn tại. Và sự thật đã xảy ra đúng như vậy. Cùng một năm sau khi giết
chết Lê Sát và Lê Ngân, Thái Tông tiếp tục hạ lệnh phế Quận Vương Tư Tề làm dân
thường, mặc dù trong giai đoạn này Tư Tề không mắc vào bất cứ tội trạng nào cả.
Sau đó không lâu thì Tư Tề qua đời, được truy phong là Quận Ai Vương. Cái chết
của Tư Tề quá đột ngột và có phần bí ẩn, trong sử sách lại không chép gì thêm,
cho nên không ai biết Tư Tề vì sao mà chết.
5, Vì
sao Tư Tề thua trong tay Nguyên Long?
Phải khẳng định, Tư Tề “có vẻ”
hoàn toàn chiếm ưu thế hơn so với Nguyên Long trong việc tranh giành quyền lực:
Tư Tề hơn Nguyên Long khoảng 15 tuổi, khi Tư Tề xông pha trận mạc, đánh giặc dựng
nước, quản lý đất nước… thì Nguyên Long mới chỉ là đứa trẻ học đánh vần mà
thôi. Uy tín của Tư Tề đối với quan lại và tướng lĩnh chắc chắn phải cao hơn
Nguyên Long rất nhiều. Tư Tề lại là trưởng tử, lập được vô số công lao, nên việc
trao lại ngai vàng cho Tư Tề là điều không cần bàn cãi. Đức độ của Tư Tề thì chắc
chắn cũng không tồi tệ gì, nếu không muốn nói là vô cùng hiếu thuận, hiểu chuyện, minh mẫn, sáng suốt, quảng đại.
Hiếu thuận và hiểu chuyện là vì
Tư Tề đã sát cánh bên cha trong những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn đầy gian khó,
sau này còn tự mình đi làm con tin để cha có thể thuận lợi kí kết hiệp ước với
Vương Quan, chấm dứt chiến tranh.
Minh mẫn và sáng suốt vì trong suốt
thời gian vua cha bị bệnh (1431 – 1433), Tư Tề vẫn giữ chức Quốc Vương thay cha
cai quản việc nước. Lê Lợi tại vị được 6 năm, từ năm 1428 đến 1433 thì quá nửa thời
gian đó là do Tư Tề nhiếp chính, đất nước thái bình, dân chúng ấm no. Dân gian
thời đó có câu: “Thời vua Thái Tổ, Thái Tông – Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn
ăn”, cho thấy sự thái bình thịnh vượng của thời đại này. Thời kỳ Thái Tổ – Thái
Tông kéo dài khoảng 20 năm, trong đó nửa cuối thời Thái Tổ là do Tư Tề nhiếp
chính, nửa đầu thời Thái Tông là do Lê Sát nhiếp chính, tạo nên một quang cảnh
thái bình thịnh trị, dân chúng yên vui, hăng say lao động. Mà giai đoạn này đất
nước mới thoát khỏi cuộc đô hộ phương Bắc và chiến tranh liên miên suốt mấy chục
năm, để có được sự sung túc nhanh như vậy hẳn cần không ít nỗ lực của cả hệ thống
triều đình. Điều này chắc chắn không thể có được nếu người cầm quyền là một người
mê muội và kém cỏi.
Quảng đại là bởi vì, từ năm 1429
trở đi, Tư Tề là Quốc Vương, trong khi Nguyên Long luôn là Hoàng thái tử, Thái
Tổ cũng thể hiện rõ ý tứ đào tạo Nguyên Long để kế vị ngai vàng, vậy mà Tư Tề
không hề có hành động nào o ép hay gây bất lợi gì với cậu em cả, trong khi rõ
ràng với tài năng, uy tín, tầm ảnh hưởng và vị trí hiện tại của Tư Tề, việc đó
chẳng mất quá nhiều sức lực.
Thế nhưng Tư Tề vẫn thua và nhận
lấy kết cục thê thảm, vậy nguyên nhân là
từ đâu?
Thứ nhất, “yêu mẹ thì bế con”,
Thái Tổ có ân nghĩa sâu nặng với bà Phạm Thị Ngọc Trần, nên cũng yêu quý và thiên
vị Nguyên Long.
Thứ hai, Nguyên Long có được sự ủng
hộ của phe Lê Sát. Mặc dù lý do của chuyện này thì rất khó giải thích. Tại sao
Lê Sát lại ủng hộ Nguyên Long? Thực tế xưa nay, cuộc đấu đá giữa hai hoàng tử không bao giờ là đấu đá cá nhân, mà là đấu đá giữa các phe cánh. Mục đích của việc loại lớn lập nhỏ thường là để dễ bề chuyên quyền lộng hành. Nhưng đầu thời Lê công thần rất nhiều, thế lực lại cân bằng nhau và gần như không có cá nhân hay phe phái nào trội hẳn cả. Cứ cho rằng Lê
Sát lập Nguyên Long để tiện chuyên quyền, thì quyền lực của ông cũng không lất
át được vua, mà vẫn dễ dàng bị các đại thần khác chống đối và sau này bị một đứa
trẻ chưa thành niên như Nguyên Long kéo xuống quá dễ dàng. Vấn đề này Tích Vũ
không tự giải thích được, có chạy đi tham khảo ý kiến Thanh Du cô nương thì được
Thanh Du đưa ra hai khả năng như sau: Lê Sát xung khắc với Tư Tề, hoặc là
Nguyên Long có quan hệ gì đó với Lê Sát (kiểu như mẹ Nguyên Long có mối liên hệ
nào đó với Lê Sát vậy!). Tích Vũ cảm thấy hai điều này đều không ổn lắm, nên tạm
thời chưa có bình luận gì thêm.
Ba là, cái này mang tính chất duy
tâm, chính là cái dớp “công thần khai quốc
thời Lê ít người có kết cục tốt đẹp”. Sau khi Thái Tổ lên ngôi đã giết hoặc
vùi dập không biết bao nhiêu công thần cùng mình trải qua những ngày đầu gian
khó. Đến nỗi sử sách đời sau cũng phải buông vào một câu “Thái Tổ […] cũng có
thể gọi là mưu kế xa rộng, mở mang cơ nghiệp; song đa nghi, hiếu sát, đó là chỗ
kém”[13].
Kết cục của Tư Tề cũng giống như bao công thần khác, lần lượt bị loại trừ, không
cần biết Thái Tổ có thật sự cố ý hay không, cái dớp này vẫn cứ ám lấy nhà Lê Sơ
suốt mấy chục năm thời kỳ đầu thành lập.
6, Kết luận
Lê Tư Tề là một hoàng tử có năng
lực và đức độ, song số phận lại gặp phải những bi kịch đầy oan khuất, trở thành
nạn nhân của cuộc tranh giành quyền lực chốn cung đình. Cuộc tranh chấp giữa Tư
Tề và Nguyên Long là cuộc huynh đệ tương tàn đầu tiên trong lịch sử nhà Hậu Lê,
mở đầu cho những cuộc tranh giành quyền lực nhuốm máu sử sách khác của chính họ
Lê vào những thế hệ sau, giữa Nghi Dân và Bang Cơ, Tư Thành và Khắc Xương, Uy Mục
và Tương Dực. Đời cha không gương mẫu thì đời con ắt loạn. Lý Thế Dân giết chết
anh trai Kiến Thành để lên ngôi, dẫn đến con cháu đời sau giết nhau loạn cào
cào. Đến nhà Lê của Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng nhân quả ấy. Lịch sử
không có chữ nếu, sống chết thành bại âu cũng là cái số cả rồi, cho nên, Kiến
Thành à, Tư Tề à, sai lầm của hai vị đều là quá sơ suất, quá mềm lòng. Thôi thì
hai vị ra đi bình an nhé, kiếp sau nhớ tiếp tục đầu thai vào “đế vương gia” để
chơi lại ván cờ này.
Mở rộng
vấn đề:
Trích bình luận của Thanh Du cô nương mà Tích Vũ thấy vô cùng tâm đắc: “Mà để ý
thì thấy trong tranh giành đế vị, nếu anh thắng thì kết cục của em thường là an
nhàn làm vương cả đời, ngay trong sử Việt cũng vậy chứ không nói sử Tàu. Từ Lý
Thái Tông, Lý Nhân Tông (ông này còn truyền ngôi cho cháu), nhiều đời vua thời
Lý, Trần, Lê nguyên cái họ Mạc và đa số chúa Nguyễn, đến cả Trịnh Sâm bị em mưu
phản bất thành cũng chỉ tống giam mà không giết, Trịnh Khải bị mẹ kế trù dập dữ
dội thế cũng không giết Trịnh Cán (mà chắc là vì thằng bé ốm yếu quá, kiểu gì
cũng chết nên không việc gì phải giết cho mang tiếng) Ngược lại nếu em lên ngôi
thì kết cục của anh bao giờ cũng thê thảm, tiêu biểu là Lê Long Việt, Tư Tề,
Nguyễn Phúc Luân (anh Nguyễn Phúc Thuần), Nguyễn Phúc Hồng Bảo (anh Tự Đức),...
ngay hoàng tử Cảnh chết yểu trước khi Minh Mạng lên ngôi mà đến đời con cũng
không thoát, cả chi trưởng bị Minh Mạng trù cho không ngóc đầu lên nổi. Chắc chỉ
có mỗi Hồ Nguyên Trừng là thoát được bi kịch này, vì Hồ Quý Ly còn chưa chết
thì nước đã mất (một lần nữa tiếc cho Hồ Nguyên Trừng, giỏi vậy lại còn là con
trưởng mà chỉ vì mẹ không có địa vị cao nên không được nối ngôi >_<) Đây
như kiểu một cái dớp cho con trưởng ấy, con thứ còn có đường lui chứ con trưởng
mà không làm vua thì chỉ có đường chết thôi...”
[1] Theo Đại Việt
thông sử
[2] Lưu Nhân Chú (?-1433) là công thần
khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam, người huyện Đại Từ, tỉnh Thái
Nguyên, Việt Nam.
[3] (như 4)
[4] Khi Đỗ Thái hậu
nhà Tống bệnh nặng, có cho vời Triệu Phổ vào nhận di mệnh, dặn vua Thái Tổ sau
này truyền ngôi cho em trai là Triệu Quang Nghĩa, Quang Nghĩa truyền ngôi cho
Đình Mỹ, Đình Mỹ truyền ngôi lại cho Đức Chiêu (con trai trưởng của Thái Tổ), bảo
Triệu Phổ ghi nhớ lời đó. Triệu Phổ xin tuân mệnh, bèn lập tờ ước thệ, rồi ký
tên vào. Việc này khiến Triệu Phổ bị Trịnh Bá Kiền chê là không biết giảng giải can ngăn, đến nỗi ngày sau sinh
loạn. Như vậy không phải là bậc đại thần có tài kinh quốc.
[5] Vương Mãng là
gian thần cướp ngôi nhà Tiền Hán. Tào Tháo là gian thần thao túng nhà Hậu Hán.
[6] Trích “Đại Việt
Sử Ký Toàn Thư”.
[7] Theo Đại Việt
Sử Ký Toàn Thư.
[8] Theo Đại Việt
Sử Ký Toàn Thư.
[9] Theo Khâm Định
Việt Sử Thông Giám Cương Mục.
[10] Trích “Đại Việt
Sử Ký Toàn Thư”
[11] Trích “Đại Việt
Sử Ký Toàn Thư”
[12] Trích “Đại Việt
Sử Ký Toàn Thư”.
[13] Lời bàn của
các sử quan, trích “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”.
28 comments
chị lại làm em đau lòng nữa rồi
tội thiệt nhưng mà ta đồng ý với nàng là số mệnh như vầy dễ biến thành tiểu thuyết đồng nhân lắm nha
he he lần đầu ghé thăm nàng cho ta đặt chỗ nhà nàng nha
ta qua đây là từ cái mv sơn hà vĩnh mộ của nàng đó, ta cũng thích mấy cái đam mỹ cung đình vầy lắm, khoái mấy cái đam mỹ lịch sử vầy nè mà kiếm không có
nhưng sao đam mỹ nhà nàng toàn ngược không vậy hu hu (mặc dù ta cũng thích ngược nhưng vừa thôi) à mà ta rất thích nhà nàng nha nhất là cái logo hehe
Chào mừng nàng đến với Tích Vũ Lầu *tung hoa* Ta vô cùng vô cùng vô cùng yêu thích thể loại lịch sử cung đình, cảm giác đấu tranh trí tuệ cam go khốc liệt còn khoái trá hơn nhiều các anh giang hồ võ lâm ấy =)))
Mà xét riêng về cung đình lịch sử, sử Việt cũng lắm thứ tỏ tỏ mờ mờ, tình thú hấp dẫn lắm, chẳng qua không ai viết hoặc viết non tay thôi, chứ mớ sử liệu này mà để các tác giả già đời bên Trung khai thác thì ôi thôi... vạch từng lớp sử mấy nghìn năm không hết :3
(Như vụ của Tư Tề này, cái khúc anh bị giáng làm Quận vương và bị cô lập không cho tiếp xúc với ai ấy, ta nghĩ ngay đến vụ nhốt rape kinh điển của đam Tàu) =))) *thiện tại thiện tai, con phán bừa thôi, trúng thì trúng chả trúng thì trượt, mong cụ kỵ tổ tông đừng giận con*
Về vụ ngược thì, e hèm, không còn cách nào khác, ta chỉ thích ngược thôi, lấy ngược trị ngược là một cách rất hay, nàng cứ thử khác biết, xong tê liệt thần kinh luôn ko còn biết ngược là gì nữa =)))
nàng ghê nha ( chỗ đó ta mới lưu ý thôi chưa nghĩ gì sâu sa hết giờ nàng nói làm người ta liên tưởng rồi nè )
nàng hại người quá nha
ta đọc xong bài này của nàng là nguyên lô ý tưởng nảy ra luôn (như là lê nguyên long vì tình yêu với anh mình mà không được đáp lại thành ra lập mưu phế thái tử để chiếm làm của riêng) *mơ tưởng*
RẦM chết bay cao quá đụng dây điện rồi cứu với !!!!!!!!
Còn nhiều chỗ hint bí ẩn lắm mà ta không khai thác ra hết được thôi. Ta cũng định mở 1 cái ngoặc, phán 1 cái câu, nhưng xét thấy ngay từ đầu ta đã tuyên bố "chính trực", "khách quan" rồi, nên chữ ra mặt word rồi vẫn phải xóa đi =)))
Ấy nàng không phải lo, tưởng tượng vậy là cảnh giới hết sức bình thường, chưa đâm cột điện được, có đâm cũng chưa vỡ đầu. Yên tâm yên tâm :3
Ta còn nghĩ đến chuyện tình ngang trái sặc sụa, dây mơ rễ má, rối tung rối mù với các tiểu công và tình tiết như thế này cơ:
- Lê Huy Chú (em họ Tư Tề): chuyện tình thanh mai trúc mã, chính bạn này là người tình nguyện sang bên giặc Minh làm con tin cùng Tư Tề. Vĩ đại nha ~~~
- Vương Quan (tướng nhà Minh): chuyện tình nợ nước thù nhà, trong thời gian Tư Tề làm con tin, ai biết sẽ xảy ra những chuyện ngang trái thế nào. Tèn tén ten ~~~
- Lê Sát (công chính): chuyện tình tương ái tương sát; thích Tư Tề, cho nên muốn chặt bỏ lông cánh của Tư Tề, để xem y còn có thể kiêu ngạo, còn có thể bay xa được bao nhiêu (Cái này giống hệt trường hợp Triệu Khuông Dận đối xử với Lý Tòng Gia trong Sơn Hà Vĩnh Tịch). Thế nên hắn bài binh bố trận, tạo vây tạo cánh, dùng đủ mọi cách đưa Nguyên Long lên làm Thái tử và lên ngôi (Nên nhớ cái lệnh cô lập Tư Tề được ban khi Nguyên Long mới 11 tuổi. Trẻ ranh 11 tuổi thì nghĩ được cái gì, nên chắc chắn đây là chủ ý của Lê Sát). Và trong 4 năm Tư Tề bị giáng chức + cô lập, Lê Sát làm quyền thần, Nguyên Long chưa đủ lông đủ cánh thì sẽ có những chuyện gì xảy ra... có trời mới biết :3
- Lê Nguyên Long: huynh đệ văn, thương anh, quyết diệt trừ Lê Sát để cứu anh. Ai ngờ tình yêu không qua được quyền lực. Ái tình không thắng được vạn dặm giang sơn. Anh là mối uy hiếp lớn với đế vị của hắn, nên yêu thì yêu mà giết thì vẫn giết (Tương tự trường hợp Triệu Quang Nghĩa đối xử với Triệu Đức Phương trong Đại Tống Bát Hiền Vương).
Thế nào, thấy trí tưởng tượng đủ để đâm nát cả hệ thống lưới điện quốc gia chưa =))))))))
Nàng thiệt là lêvel cao quá kiểu này đứt dây mấy dây điện hết rồi
Ta phải tranh thủ đi mua đèn cầy đây
Nàng thiệt là lêvel cao quá kiểu này đứt dây mấy dây điện hết rồi
Ta phải tranh thủ đi mua đèn cầy đây
Sắp tới ta sẽ thong thả mà tung ra bài nghiên cứu tương tự thế này về các tiểu thụ tiềm năng, tất nhiên nguyên bản luôn là 1 bài viết mang đầy tính chính trực và khách quan, việc có nhìn ra được tính tiềm năng của truyện hay không thì phải tùy vào trí tưởng tượng fristty của các quý độc giả như nàng rồi =))))
mong chờ nha
@@ nàng sắp thành nhà sử học rồi đó, Vũ Vũ à :3
Ây da ta chưa đến trình nhà sử học, nhưng nếu bằng hữu nào tính việt truyện vể sử Việt thì tại hạ sẵn lòng làm cố vấn lịch sử à nha =)))
Đọc về hoàng tử này thấy số phận thảm thương quá, có vẻ tương đồng với Lưu Cứ - trưởng tử của Hán Vũ Đế, được sử sách ca ngợi là người nhân từ đức độ mà cuối cùng lại chết thảm cũng chỉ vì ông bố vừa mê tín vừa mê quyền lực. Số làm còn vua chưa chắc đã sướng.
*bắt tay* Các hạ nói chí phải, có mấy ai sinh ra trong nhà đế vương mà tránh được chuyện cung đình tranh đấu, huynh đệ tương tàn đâu. Nhưng nhờ vây mà chúng ta có cảm hứng và tư liệu lịch sử để YY đó mà =))
Biết nhà nàng đã lâu mà giờ mới mò vô cái chỗ này. Từ ngày lang thang đọc được cái fic Quân cờ, ta bắt đầu tìm hiểu về Lê Tư Tề, thấy thương cho anh lắm. Ta cũng như nàng, không tin vào mấy cái lý do mà Thái Tổ và Thái Tông đưa ra để trù dập anh. Nói thật, ta cũng nghi ngờ luôn cái việc hi sinh vì nghĩa của bà Ngọc Trần để lập Nguyên Long làm thái tử.
( không biết nàng thì sao?
Đời sau có Lê Khắc Xương, ai cũng ca ngợi Thánh Tông mà chẳng nhắc đến việc Lê Khắc Xương bị giết, ta cũng muốn tìm hiểu lắm chỉ có điều thông tin liên quan đến anh này ít đến thảm thương
Trời ơi ôm ôm, ta yêu nàng quá, hiếm có khi tìm được đồng đạo nào cũng quan tâm đến lịch sử Việt Nam như nàng. Bản thân ta thấy lịch sử Việt Nam rất hay, có rất nhiều chuyện cung đình bí sử, quan trường đấu đá, an dân trị quốc, chiến trường xông pha đều vô cùng vô cùng hay, nhưng chỉ vì ít truyện và phim làm về lịch sử nước nhà, kể cả có làm cũng bị kiểm duyệt rồi bóp chết từ trong trứng nước, nên mọi người mới không hào hứng mấy thôi.
(((
Nói riêng đến các trường hợp "tài cao phận thấp chí khí uất" hoặc "dòng đời trái ngang lam nhan bạc mệnh" trong lịch sử thì ta còn quan tâm đến nhiều vị nữa, như Trần Ích Tắc, Trần Quốc Khang, Nguyễn Trãi, Lê Nghi Dân, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Hậu Hợp, Nguyễn Phúc Thuần... có điều ít thời gian với không có tư liệu nên chưa làm bài nghiên cứu về các vị được. Nàng có muốn cùng nghiên cứu không
Thực là cảm phục nàng vì đã làm nên cái chiến dịch mang tầm vóc thiên niên kỷ này =)))))
Số phận của Tư Tề, phải nói là vô cùng bất hạnh, phải chăng vì anh quá đức độ nên mới có kết cục thế này?
Mà nàng có định làm tiếp ko vậy?
Cái này gọi là "tự cổ lam nhan đa bạc mệnh" ấy mà, thương anh quá giời ơi *sụt sịt*.
(((((
Ta cũng tính làm tiếp và hiện tại trong đầu đã hình dung ra muôn vàn đối tượng có thể liệt kê vào chiến dịch này, có điều thời gian vô vàn mà sức người có hạn, không có đồng đạo nghiên cứu cùng thật sự rất rất đuối huhuhuh
nàng tìm tài liệu ở đâu vậy?
sử việt nam mà làm thành phim chắc cũng gây cấn chả kém gì phim tàu đâu, mà khổ nổi giao cho mấy cha nội vietnam làm thì em không đủ can đảm coi, sợ măng non gãy sớm :v :v
Nếu nàng có ý định làm gì, bảo ta một tiếng xem ta có giúp đc gì ko =))))))))) Ta cũng có hứng thú với mấy vụ lịch sử cung đình cẩu huyết ngược luyến này lắm. Hay tiếp theo làm về Nguyễn Trãi đi
có thể cho em mượn làm tư liệu k ạ
Thoải mái em
Mà em dùng tư liệu làm gì thế?
@ Tuyên Vĩnh: Chào bạn, rất hoan nghênh ý kiến đóng góp của bạn về Tư Tề cũng như nghĩ ra kịch bản gay cấn cho cuộc đời Tư Tề như thế. Về kịch bản bạn đóng góp, nó khá tương đồng với thảo luận giữa mình với một vì đồng đạo gần đây, mình trích ra để bạn coi thử nha:
)
"Trong khoảng thời gian diễn ra khởi nghĩa Lam Sơn thì Tư Tề và Vương Thông cũng có chút quan hệ cá nhân, không phải cố tình mà kiểu như duyên gặp gỡ/cứu giúp, Vương Thông cảm mến tài năng tính cách Tư Tề, sau đó biết được thân phận thật sự của nhau, trở thành kẻ đối đầu, Tư Tề cùng Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin, trong gần một năm này xảy ra nhiều chuyện (thử thách tài năng ý chí nhân cách tình cảm), tạo nên mối quan hệ vừa bạn vừa thù (vừa yêu vừa hận =))). Tư Tề đấu trí với Vương Thông, cuối cùng Vương Thông chấp nhận rút quân về nước nhưng có thỏa thuận riêng nào đó với Tư Tề, hiểu nôm na là Tư Tề nợ Vương Thông.
Nhà Lê dựng nước, Lê Lợi lên ngôi, Tư Tề trở thành hữu tướng quốc - quốc vương tạm thời trông coi việc nước để cha già yên tâm dưỡng bệnh. Nhưng triều đình non trẻ ngoại xâm chưa yên lại đối mặt với nạn quyền thần. Một phe có Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, một phe có Lê Sát, Lê Ngân. Lại thêm đám tiểu nhân thù vặt ghen ăn tức ở như Lê Quốc Khí hay Lê Khôi (kiểu như cô gái mà thằng cha này yêu lại chỉ tương tư ngưỡng mộ Tư Tề, hay lộng quyền phách lối bị Tư Tề xử lý thì đâm ra thù vặt vân vân =))) Thế là bị Lê Sát mượn gió bẻ măng mượn tay giết người. Tất nhiên Lê Sát cũng là yêu quá hóa hận, ta muốn chặt đứt đôi cánh của ngươi, chặt đứt kiêu ngạo của ngươi để ngươi mãi mãi thần phục trong vòng tay ta (*ôi xin các vị cổ nhân tha lỗi*). Lê Lợi lại vốn tính đa nghi, đám quyền thần công cao chấn chủ tất để họa về sau, cho nên giả vờ già yếu bệnh tật, lơ là chính sự để các công thần bộc lộ bản chất, rồi lợi dụng sự đối đầu này mà chặt hạ các phe cánh. Túm lại bọ ngựa bắt ve chim sẻ ở phía sau, phe này lợi dụng phe kia đối chọi phe nọ trận cung đấu này vô cùng phức tạp.
Thế nhưng bất ngờ nhất lại là boss cuối, thật ra Tư Tề mới là người đứng sau tất cả. Tư Tề tự biết bản thân còn món nợ không thể cắt đứt với Vương Quan (giống như thái tử Kiến Thành nhà Đường dây dưa với Đột Quyết ấy), nếu lên ngôi sẽ không tránh khỏi rắc rối với triều Minh, giang sơn lúc này cần một vị vua có lý lịch trong sạch =)) lại thêm quyền thần không dẹp đất nước không yên, ân tình với Lê Sát cũng không thể không trả, thành thử lấy chính bản thân ra làm con cờ. Kết quả cuối cùng chính là đất nước sạch quan hệ với nhà Minh (Vương Quan khóc ròng), Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn bị Thái Tổ diệt (Tư Tề thất thế), Lê Quốc Khí bị xa lánh, cấm không được vào triều (Lê Sát xót ruột). Lê Sát, Lê Ngân bị Nguyên Long giết (Lúc này Tư Tề đã ra đi nhưng vẫn còn có thể thao túng ý chí của Nguyên Long nhờ vào người còn sống, ví dụ như Lưu Nhân Chú).
Nguyên Long lệ rơi đầy mặt, nước mắt thành sông, anh ơi em trả thù cho anh rồi, anh ở đâu về với em đi :'(
Ở một nơi xa, Vương Quan lặng người rơi lệ, ngươi nói sẽ trả nợ ta, ngươi tưởng chết rồi ta không đòi được hả :'(
Lưu Nhân Chú ngẩn ngơ nhìn về phía Lam Sơn, đó là nơi chúng ta cùng vượt qua gian khó, hoạn nạn không rời. Đệ đã làm đúng lời huynh dặn, mà lời hứa của huynh thì sao? :'(
Lê Sát thì chết rồi, chỉ còn là nấm mộ cô liêu".
=> Kịch bản nhuốm màu Quyết Tuyệt và có tí mùi Thịnh Đường (đều của cặp Lý Thế Dân x Lý Kiến Thành), nếu hứng thú bạn có thể chạy đi xem thử 2 bộ đó, sẽ đóng góp kha khá ý tưởng hay hay đó nha
Kết luận: Bạn cứ viết đi nha, nếu có đăng lên blog cá nhân hay facebook thì cho mình link mình chạy qua ủng hộ liền ^^
Cảm ơn bạn đã chia sẻ cho mình. Mình đã đọc Quyết Tuyệt rồi và mình rất thích cốt truyện cũng như cách dịch của bạn. Còn Thịnh Đường thì mình chưa đọc. Mình sẽ viết trong khoảng tháng 7, tên nhân vật có thể sẽ thay đổi tại mình sợ bị ném đá. (ném ít thì còn đỡ, còn ném nhiều quá sợ sập nhà). Với lại tay mình còn non lắm viết có thể không hay, dù sao cũng là lần đầu mình viết truyện. Vậy ha, khi nào viết xong mình sẻ chia sẽ cho bạn.
Lê Tư Tề tang cha: con trưởng
Nhưng tang vua chỉ nghĩa: quận vương
Tôn em ngôi vị ngôi thiên tử
Tang trắng song mang nỗi đoạn trường
Lê Nguyên Long mùa thu tháng chín (1433)
Tức vị vương miếu hiệu Thái Tông
Từ khi an định trên phế lập
Có tránh đau thương được máu hồng?
Mười một tuổi thần đồng trị quốc
Chín năm dài mấy cuộc bể dâu
Không chinh chiến mà muôn thay đổi
Đổi vinh hoa đổi những công hầu
Xuân thứ nhất sau ngày nguyên đán
Từng đạo binh rèn luyện kiếm cung
Đông Kinh qui tụ miền đất bắc
Các xứ miền nam tụ mỗi vùng
Cùng lúc ấy nâng cao văn học
Giấc kinh bang độ tuổi còn non
Tiếc rằng tâm lượng không hề nhỏ
Mà nghĩa đệ huynh lại chẳng tròn
Lê Tư Tề quận vương huynh trưởng
Ở nơi nao số phận ra sao
Lệnh rằng: cấm tuyệt ai lui tới
Mà cũng không cho tự đến trào
Không đao kiếm mà nghe đứt đoạn
Ở cấm cung biệt lập như tù
Bao năm giam lỏng cười điên dại
Chuyện đời hồ dễ gạt thiên thu
Lưu Nhân Chú một oan lòng khác
Á thượng hầu không trách Thái Tông
Chỉ rằng Lê Sát quan phụ chính
Diệt mất đệ huynh chỉ bất đồng
Giết Nhân Chú trù Lê Khắc Phục
Biếm Ư Đài không nể ấu vương
Trăm năm cũng chỉ trung nhà chúa
Nào hay đâu số phận cùng đường
Quan Lê Sát, Lũng Nhai thuở trước
Được tiên vương di mệnh hôm qua
Công thần, chữ ấy trêu danh tướng
Chén thuốc ai đưa đến tận nhà
Ai đã giết đại quan phụ chính
Ai cầm chân huynh trưởng trong tay
So ra vua nhỏ không hề nhỏ
Tuổi chửa thành niên mấy kẻ tày
Nay triều chính tự mình lèo lái
Truất Ngọc Giao giáng cấp Lệ phi
Lập con trai trưởng ngôi thái tử
Vì mẹ vương phi được chuộng vì
Ỷ được trọng Dương phi tự mãn
Hệ lụy nầy bị giáng chiêu nghi
Treo luôn ngôi vị ngôi thái tử
Ai biết mai kia những chuyện gì
Từ buổi ấy hậu cung mấy ngả
Bà họ Bùi tự thủy vô tranh
Khắc Xương hoàng tử tâm như mẹ
Dạ thơ ngây từ bé thiện lành
Bà Thị Anh là người họ Nguyễn
Sinh Bang Cơ mấy độ tròn trăng?
Nhỏ hơn huynh trưởng đôi mùa lá
Mà để Nghi Dân một vết hằn
Theo chiếu chỉ Bang Cơ hoàng tử
Phận là em mà nét tinh khôi
Hài nhi hai tuổi thành thái tử
An định trừ quân thế đã rồi
Sinh Bang Cơ mùa hè năm trước
Mùa thu sau lại có Tư Thành
Lê Sơ tự thủy nhiều hệ lụy
Trăm năm lần sử chỉ mờ xanh
Sử không viết Sĩ Liên không viết
Nhặt dấu xưa trong đống sương mù
Oan khiên từng vạt treo sương giá
Vô tiền khoáng hậu cả nghìn thu
Ngôi thái tử Nghi Dân mùa cũ
Lạng Sơn vương vương vị từ đây
Khắc Xương một phận như anh cả
Tân Bình vương hiu hắt phận nầy
Người con út Tư Thành hoàng tử
Chưa định danh đã sét ngang tai
Lệ Chi vườn vải mùa thu cuối
Máu lệ nào rơi đến tuyền đài?
Chào bạn, thật xin lỗi giờ mới thấy bình luận của bạn. Bạn làm thơ hay quá, còn sát từng sự kiện lịch sử nữa *kính cẩn nghiêng mình* Hi vọng có nhiều cơ hội hơn đàm luận sử sách cùng những tâm hồn thi sĩ yêu sử như bạn.
Post a Comment