Feb 14, 2017

[NHÀ HẬU TRẦN] TRÙNG QUANG ĐẾ - VỊ QUỐC CHỦ VÙNG VẪY GIỮA LOẠN LẠC, CHẾT VÌ XÃ TẮC

Written By Tích Vũ Lầu on Feb 14, 2017 | 16:30

“… chúng ta có lòng phò vua giúp nước, nhưng tiếc rằng không kéo nổi sông trời, chưa báo đền được nợ nước mà đầu đã bạc trắng, bao phen rồi cứ ngồi một mình mài gươm dưới ánh trăng”.

[NHÀ HẬU TRẦN] TRÙNG QUANG ĐẾ - VỊ QUỐC CHỦ VÙNG VẪY GIỮA LOẠN LẠC, CHẾT VÌ XÃ TẮC
Viết bởi Tích Vũ
1, Giới thiệu nhân vật:
Trùng Quang Đế tên thật là Trần Quý Khoáng, là vị vua thứ hai của nhà Hậu Trần, mất năm 1414, còn năm sinh không rõ, thấy có chỗ ghi là 1390, như vậy thì hơi trẻ (lên ngôi và lãnh đạo cuộc chiến đấu chống quân Minh khi mới 20 tuổi, bị bắt và tự vẫn năm 25?), mà tạm thời chưa có cơ sở để suy luận con số chính xác, nên tạm chấp nhận vậy đã.
Trần Quý Khoáng lên ngôi năm 1409, ở ngôi 5 năm, thời gian ở ngôi là thời kỳ chống sự đô hộ của nhà Minh sau khi nước Đại Ngu (nhà Hồ) bị giặc xâm lược.
Vua Trùng Quang là con của Trang Định vương Trần Ngạc, cháu nội vua Trần Nghệ Tông, gọi Giản Định Đế (Trần Ngỗi) bằng chú ruột. Khi Giản Định nghe lời gièm pha giết chết hai tướng tài là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, thì hai con trai của hai vị tướng này là Đặng Dung (con của Đặng Tất) và Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) đã đem quân từ Thuận Hóa vào Thanh Hóa, đón rước Trần Quý Khoáng (lúc đó đang giữ chức Nhập nội thị trung) đến Nghệ An đưa lên làm vua thay cho Giản Định.
Dàn harem nổi bật nhất của vua Trùng Quang gồm có:
Thái phó: Nguyễn Súy
Thái bảo: Nguyễn Cảnh Dị
Đồng bình chương sự (tức Tể tướng): Đặng Dung
Điện tiền thái sử (tức Ngự sử): Nguyễn Biểu

2, Vị vua khiêm nhường, trọng nghĩa, yêu nước:
 - Được lập làm vua, nhưng Trùng Quang vẫn khiêm nhường giữ lễ, tôn chú làm thượng hoàng để nội bộ không bị chia rẽ, hợp sức chống giặc.
Sau khi lên ngôi, Trần Quý Khoáng sai Thái phó Nguyễn Súy đem quân đón vua Giản Định về hội hợp. Khi Giản Định bị dẫn về Nghệ An, Trùng Quang khiêm nhường mặc thường phục xuống thuyền đón rước, tôn lập Giản Định làm thượng hoàng.
Khi thái hậu Hưng Khánh là mẹ của Giản Định ngầm khởi binh cùng hai quan hành khiển là Lê Tiệt và Lê Nguyên Đỉnh tính đánh úp vua Trùng Quang để giành lai ngôi báu cho Giản Định, Trùng Quang chỉ giết hai người Tiệt – Đỉnh để thị uy, còn thái hậu và những người khác đều được tha.
Mấy tháng sau, Trùng Quang cùng thượng hoàng chia quân hai đường đánh quân Minh. Thượng hoàng đóng ở Hạ Hồng (Hải Dương), Trùng Quang đóng ở Bình Than. Tướng giặc Minh là Trương Phụ bắt được thượng hoàng, giải về Kim Lăng xử tử. Còn phía Trùng Quang cũng bị giặc vây đánh phải rút về Nghệ An.
- Suốt thời gian ở ngôi, Trùng Quang luôn thể hiện tinh thần yêu nước, mặc dù lên ngôi đầy bị động, nhưng khi làm vua vẫn làm hết bổn phận của một vị vua giữa buổi loạn ly, dẫu biết thế cục không thể vãn hồi.
Quá trình chiến đấu cụ thể của vua tôi Trùng Quang với quân Minh thì khá trúc trắc và khô khan, nên Tích Vũ sẽ không nói nhiều, chỉ tóm tắt ra vài ý chính, còn vị nào yêu lịch sử có thể tự tìm sách đọc nha:
Năm 1410, Trùng Quang và Nguyễn Cảnh Dị đánh thắng quân Minh ở La Châu, Hạ Hồng, truy kích đến bến Bình Than, đốt phá thuyền trại của giặc.
Năm 1411, Trùng Quang và Nguyễn Súy chia quân đánh các cửa biển, bắt những viên thổ quan theo giặc chém bêu đầu cảnh cáo.
Năm 1412, quân Minh đánh vào Nghệ An, quân ta rút chạy. Sau khi bị dồn về phía Nam, Trùng Quang đánh trở lại Nghệ An vào năm 1413 với một lực lượng đã suy yếu nhiều, nhưng vẫn nuôi hy vọng phục hồi thế trận. Nguyễn Biểu được sai đi điều đình với quân Minh, bị giặc giết hại. Cuối năm đó Nguyễn Cảnh Dị cũng bị sát hại.
Đầu năm 1414, Trùng Quang, Nguyễn Súy, Đặng Dung bị bắt giải về Trung Quốc, giữa đường nhảy xuống biển tự vẫn.

3, Vị vua yêu thơ ca chữ Nôm:
Điều thú vị là cả Trùng Quang lẫn các văn thần võ tướng của mình đều là những người có tài thơ ca và hết sức trân trọng chữ Nôm, điều rất hiếm thấy ở một triều đình đang chật vật giữa buổi loạn lạc, không lúc nào ngơi tay trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.
Năm 1413, khi quân Minh đánh vào Nghệ An, vua Trùng Quang phải rút về Hóa Châu, sai Nguyễn Biểu đi sứ để điều đình. Trùng Quang khi đó đã làm một bài thơ Nôm tựa đề “Tiễn Nguyễn Biểu đi sứ” (trước đó vua cũng đã cử hai đợt sứ giả sang điều đình với quân Minh, đều vì ngài mà mất mạng, sao hổng thấy ngài làm thơ ca gì 😂), cụ thể như sau:
“Mấy vần thơ cũ ngợi hoàng hoa,
Trịnh trọng rày nhân dựng khúc ca.
Chiếu phượng mười hàng tơ cặn kẽ,
Vó câu ngàn dặm tuyết xông pha.
Tang bồng đã bấm lòng khi trẻ,
Khương quế thêm cay tính tuổi già.
Việc nước một vai công ngõ vẹn,
Gác lân danh tiếng dọi lầu xa.”
Phân tích một chút, chữ “hoàng hoa” ở câu đầu lấy ý từ một thiên trong Kinh Thi, kể việc vua tiễn biệt dặn dò sứ thần sắp lên đường, ngoài ra, nó còn có nghĩa là “hoa cúc” – loài hoa nở vào tháng chín mùa thu, tượng trưng cho người quân tử kiên trung bất khuất, cũng là loài hoa của sự biệt ly. “Tang bồng” ngụ ý rằng người làm trai chí lớn ở bốn phương, tung hoành giữa trời đất, ôm hoài bão giúp nước cứu đời. “Khương quế” là tuổi già. Như vậy cả bài thơ này có thể hiểu là: Nhân ái khanh sắp lên đường gánh vác việc lớn, ta bùi ngùi tiễn biệt mấy câu, mong ái khanh ghi nhớ những lời này đến chân tơ kẽ tóc, ái khanh hoài bão chất chồng, chí làm trai chưa ngày nào ngơi nghỉ, lớn tuổi rồi càng dày dạn hăng say, một mai việc nước vẹn toàn, gác công thần sẽ mãi có tên khanh.
Nghe được lời vua dặn dò, Nguyễn Biểu cũng có lời từ tạ:
“Tiếng ngọc từ vâng trước bệ hoa,
Ngóng tai đồng vọng thuở thi ca.
Đường mây vó ký lần lần trải,
Ải tuyết cờ mao thức thức pha.
Há một cung tên lồng chí trẻ,
Bội mười vàng sắt đúc gan già.
Hổ mình vả thiếu tài chuyên đối,
Dịch lộ ba ngàn dám ngại xa.”
Đại ý thế này: Trước bệ rồng vua ngồi, thần nghe tiếng người dặn dò, lắng tai nghe lời người dạy bảo, đường đi sứ dẫu gian nan trắc trở, thần vẫn sẽ vui vẻ vượt qua, lúc trẻ đã mang dòng máu anh hùng, về già rồi càng bền gan vững chí, chỉ sợ thần thiếu tài ứng đối (làm nhục mệnh vua), chứ chẳng ngại ngần xa xôi khó nhọc.
Thế rồi Nguyễn Biểu đi sứ, bị tướng giặc Trương Phụ bắt giữ không cho về. Nguyễn Biểu tức mắng vào mặt Trương Phụ là quân giả nhân giả nghĩa tráo trở cướp nước các kiểu, thế là bị Trương Phụ nổi giận giết chết.
Hay tin Nguyễn Biểu hi sinh, Trùng Quang bùi ngùi làm văn tế an ủi hương hồn vị thần tử trung trinh bất khuất, nội dung thì dài lắm, ai hứng thú tự search đọc nha.
Như vậy, nhờ vua Trùng Quang và quan ngự sử Nguyễn Biểu, chúng ta có màn đối đáp đầu tiên bằng thơ Nôm. Mà Trùng Quang làm Tích Vũ nhớ đến hậu chủ Nam Đường, đều là vị vua cuối cùng của triều đại mình, lên ngôi giữa loạn lạc, đất nước gặp nguy nan, yêu văn thơ và gắn với một thể loại thơ ca đặc trưng, Lý lục là thể “từ”, Trùng Quang là thơ Nôm, triều đình cũng toàn những người yêu thơ; chỉ khác là Lý lục không có ý chí chiến đấu mạnh mẽ như Trùng Quang, còn Trùng Quang thì không có được tên “tướng giặc” yêu hòa bình như Triệu đại dung túng che chở.
Nguyễn Biểu hi sinh, Trùng Quang làm văn tế; cùng năm ấy tướng Nguyễn Cảnh Dị hi sinh (cũng là chửi Trương Phụ nên bị giết – có vẻ Trương Phụ rất ngạo kiều, rất ghét bị người ta chửi, mà thần tử của Trùng Quang cũng rất ngạo kiều, rất thích đi chửi người ta 😂), tướng quân Đặng Dung cũng có bài thơ cảm khái rất nổi danh tưởng nhớ người đồng chí, mang tên “Cảm hoài” mà chương trình văn học phổ thông có dạy:
“Việc đời bối rối tuổi già vay
Trời đất vô cùng một cuộc say
Bần tiện gặp thời nên cũng dễ
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay
Vai khiêng trái đất mong phò chúa
Giáp gội sông trời khó vạch mây
Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày”.
(Bản dịch thơ của Phan Kế Bính)
Dịch nghĩa: Việc đời dằng dặc mà ta đã già mất tiêu rồi, đất trời mênh mông bỗng chốc thu bé lại vừa bằng một cuộc hát say mà thôi, nếu gặp thời thì bọn mổ heo câu cá cũng dễ dàng thành công, nhưng lỡ vận rồi thì anh hùng cũng chẳng nên cơm cháo, chúng ta có lòng phò vua giúp nước, nhưng tiếc rằng không kéo nổi sông trời, chưa báo đền được nợ nước mà đầu đã bạc trắng, bao phen rồi cứ ngồi một mình mài gươm dưới ánh trăng.

Cảm Hoài - Đặng Dung

Ây, quả là bi kịch của con người vừa là võ tướng vừa là thi nhân, khát khao phò vua giúp nước sát cánh bên đồng đội chiến đấu hi sinh mà đành bó tay bất lực. Đến đây, thắng bại đã định rồi, Nguyễn Biểu chết, Nguyễn Cảnh Dị chết, vua Trùng Quang và hai tướng Nguyễn Súy, Đặng Dung bị bắt giải về Kim Lăng, giữa đường Trùng Quang nhảy xuống biển tự tử, Nguyễn Súy và Đặng Dung cũng tự tử theo.

4, Nhận định của đời sau:
“Trong khoảng 5 năm, kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mới thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tường thấy được […] quân ta đến sức kiệt mới chịu thua cũng vinh quang lắm thay”.
(Ngô Sĩ Liên – Đại Việt sử ký toàn thư).
“Trùng Quang Đế lấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước trong lúc loạn ly, giống như dùng một khúc gỗ để chống giư ngôi nhà lớn đã đổ, chẳng lẽ không biết rằng thế không thể cứu vãn được nữa sao? Nhưng cứ làm hết bổn phận nên làm, biết đâu có thể vãn hồi được thiên mệnh!
Đến khi bị giặc bắt đem về, giữ nghĩa không chịu nhục, cam lòng nhảy xuống biển mà chết, để cùng mất với nước, thực đúng là “quốc quân chết vì xã tắc”, mà các bề tôi của ngài như Cảnh Dị chửi giặc mong chúng giết ngay mình, Nguyễn Biểu kể tội ác của giắc rồi chết, đều là những người đáng ca ngợi cả”.
(Ngô Sĩ Liên – Đại Việt sử ký toàn thư).
“Vua tôi Trùng Quang Đế có thừa lòng quyết tâm phục quốc nhưng lực bất tòng tâm, không thể chống lại được quân đội nhà Minh dưới thời Minh Thành Tổ Chu Đệ hiếu chiến hơn các vua Nhân Tông, Tuyên Tông đời sau (thời khởi nghĩa Lam Sơn) và tướng Trương Phụ giỏi bậc nhất của Trung Quốc khi đó.” (wiki)

5, Tổng kết và YY:
Thật ra đọc về Trùng Quang Đế, Tích Vũ cảm thấy bất ngờ hơn là tinh thần YY nhân vật, vì trước nay vẫn mặc định các vị vua nằm trong giai đoạn cuối của các triều đại đều là những kẻ ăn chơi trác táng, tham sống sợ chết, bất tài kém đức (chẳng thế mà triều đại mới bước vào giai đoạn cáo chung), không ngờ vị vua cuối cùng của nhà Hậu Trần là người có lòng yêu nước thương nòi, kiên gan bền chí đến thế, sinh ra và lớn lên giữa lúc nước nhà rối ren, vua Trần phế lập lằng nhằng, nội tộc lục đục, ngoại thích nắm quyền, ngoại xâm nhòm ngó, ngôi vua giành qua giật lại giữa các vua Trần với nhau, giữa nhà Trần và nhà Hồ, thế rồi Trùng Quang lên ngôi khi còn trẻ và hoàn toàn ngoài dự liệu, lại đã dốc sức mình làm những chuyện mình cần phải làm, chẳng qua đại thế đã mất, “trời không giúp họ Trần” nữa, nên phải nuốt hận mà chết ấy thôi.
Cơ mà nói không YY thì nhạt nhẽo, vậy tùy chư vị bốc thăm mà chọn ra nha, bên trên đã phân tích rồi, dàn harem của vị vua trẻ ai cũng trung trinh bất khuất như nhau cả nên Vũ hổng chọn ra được ai làm khách mời trung tâm đâu 😂.

À đúng rồi, có một bộ phim xưa ơi là xưa, xưa lắm rồi về vua tôi Trùng Quang, tên là “Trùng Quang tâm sử”, không biết đã ai xem chưa?

5 comments

4/24/2017 9:47 PM Reply

Một ngày đẹp trời tuần trước tớ vô tình đọc được bài về Tư Tề, thích quá lục xem tiếp, không ngờ tận ba năm sau - mới đây chủ lầu mới ra bài mới T.T không biết là may mắn hay xui xẻo rớt phải hố này nữa, thôi thì chỉ biết hóng T.T tiện tớ cũng đang viết một oneshot về Tư Tề khi nào hoàn thành hi vọng chủ lầu aka người đã truyền cảm hứng cho tớ sẽ ngó qua T.T

4/25/2017 9:29 AM Reply

Ôi tiểu lâu thỉnh thoảng lại được đón một vị khách ghé chân, noti báo về email cuốn lòng Tích Vũ trở lại những tháng ngày hăng say đọc sử và gõ từng con chữ về các nhân vật đã ra người thiên cổ mà vẫn đầy sức sống ấy. Cảm ơn bạn đã cùng chung cái sở thích kỳ lạ này với tớ, tớ cũng rất vinh dự được là người truyền cảm hứng về Tư Tề cho bạn. Đương nhiên tớ rất vui rất háo hức rất mong chờ được đọc những thứ liên quan đến Tư Tề. Khi nào bạn viết xong nhớ báo tớ một tiếng tớ qua thưởng thức với nha ^^

4/27/2017 2:32 PM Reply

Klq nhưng mà cho em hỏi chút chủ nhà drop bộ Sơn Hà Vĩnh Tịch r sao...? Đừng mà...

4/28/2017 8:34 AM Reply

Bộ ấy rất dài, cũng rất khó dịch, một mình mình bơi giữa biển cả mênh mông ấy quá lâu rồi nên bị đuối sức, đành... bỏ dở thôi =D

Post a Comment

Thục Thiên Mộng Hoa Lục