Jun 26, 2015

[LỊCH SỬ] BIÊN NIÊN KÝ ĐƯỜNG TỐNG - PHẦN 09

Written By Tích Vũ Lầu on Jun 26, 2015 | 17:26

BIÊN NIÊN KÝ ĐƯỜNG TỐNG
Chuyện về Tống Thái Tổ và Hậu chủ Nam Đường (Một giai đoạn lịch sử đầy hint)
Tác giả: Mộc Đào Quỳnh Cư
Dịch: Tích Vũ và Thanh Du
Phần 09
Triệu Phổ sinh năm 922, gặp Triệu Khuông Dận vào năm 956, theo tuổi thật thì Triệu Phổ 34, Triệu tướng quân 29.
Nếu cuộc đời mãi đẹp như thuở mới quen.
Lúc Triệu Phổ đến thành Trừ Châu gặp Triệu Khuông Dận thì hắn đang chuẩn bị giết người, chính là cả trăm tên đầu trộm đuôi cướp cháy nhà hôi của, trong “Vấn Quân”, Triệu tướng quân có nói một câu, xét xử rõ ràng rồi hãy giết, cho thấy hắn rất quý trọng sinh mạng, nhưng trên thực tế hắn vừa chính tay đâm Hoàng Phủ Huy, so với mấy nghìn người đổ máu mấy vạn binh sĩ công thành mà nói, trên trăm người này trong mắt Triệu Khuông Dận chẳng phải thứ gì quá đắt đỏ, huống chi còn là phường trộm cướp, cho nên thực tế phải là Triệu Phổ nói với Triệu tướng quân, hãy giao cho ta thẩm vấn trước đi, kết quả là, khiến Triệu Khuông Dận như được khai thông, còn giúp hắn nhận ra một chuyện, thì ra nhìn ra xa hơn, bên cạnh hắn toàn là võ phu cục cằn, lối suy nghĩ chẳng khác gì nhau, Triệu Phổ xuất hiện không khác nào cầu vồng rạng rỡ sau cơn nắng hạn.
Là ai, đã đưa ngươi đến chỗ ta hầy?
Trong “Vấn Quân”, là Triệu Khuông Nghĩa.
Sao có thể là Triệu Khuông Nghĩa chứ?
Triệu Khuông Nghĩa
Triệu Khuông Nghĩa năm đó, cộng cả tuổi mụ là 18, không còn nhỏ nữa, đại ca “ra đi đầu không ngoảnh lại”, ông già cũng suốt ngày chinh chiến bên ngoài, thằng bé là nam đinh lớn nhất, khó tránh phải cáng đáng việc nhà, đây cũng là một hình thức rèn luyện, vẫn có câu tề gia trị quốc bình thiên hạ, nói không chừng thằng nhỏ còn trưởng thành sớm hơn cả Triệu Khuông Dận ấy chứ.
Nhưng năm đó nó đã rong ruổi trên chiến trường Hoài Nam rồi sao? Có người nói đúng vậy, còn có người nói trận chiến đó cả hai cha con họ Triệu đều tham gia, vậy rốt cuộc nó đi theo Triệu Hoằng Ân, hay là Triệu Khuông Dận, năm đó đại ca nó hào quang sáng chói, kể cả Sài Vinh chói lọi như mặt trời ban trưa cũng không thể che lấp hào quang của anh nó, mà hai bên Triệu Khuông Dận, thậm chí cả dưới cái bóng của hắn, cũng chưa từng có dấu vết tồn tại của Triệu Khuông Nghĩa. Trận ải Thanh Lưu ngươi ở đâu, dưới thành Trừ Châu ngươi ở đâu, trận Lục Hợp chơi không thành kế ngươi lại ở đâu, bao nhiêu chiến dịch thập tử nhất sinh gian nan trắc trở ngươi thật sự có mặt sao? Đại ca ngươi nỡ sao?
Nếu như nó thật sự ở đó, mà người sửa sử lại không bịa ra vài lời thoại cho lần xuất trận đầu tiên của Thái Tông trẻ tuổi thì đúng là mù mắt cả rồi. Nó không chỉ đưa ra kiến nghị đầy hiệu quả cho đại ca trong thời khắc then chốt, mà còn mặt đối mặt tâm sự vài câu thân thiết với Sài Vinh cũng không chừng, dù sao tính theo quan hệ thân thích thì nó còn gần với Sài Vinh hơn cả Triệu Khuông Dận, vợ sắp tới của nó chính là em vợ của Sài Vinh, anh em đồng hao nói với nhau vài câu cũng không khiến người ngoài nhòm ngó khó hiểu, có gì không được đâu cơ chứ.
Thế nhưng thực tế thì địa vị thằng bé quá thấp, gần như chẳng đáng diễn vai quần chúng luôn, điều này trái ngược hoàn toàn với sự xuất hiện hoàng tránh của nó trong cái đêm binh biến Trần Kiều ba năm sau. Năm ấy, nó cùng lắm mới có 21 tuổi mụ, Triệu Khuông Dận 21 tuổi cũng chỉ là cậu trai dắt ngựa lang bạt chân trời, bắt đầu từ lúc không một ai biết đến cho tới khi ho một tiếng là đất ngả trời nghiêng, vai diễn của người trước bị xóa nhòa đến không còn dấu vết, của người sau lại chói lọi đến không thể hiểu nổi, chuyện ba năm sau tạm gác lại không nói, tôi nghiêng về giả thiết là Triệu Khuông Nghĩa còn chưa ló mặt ở trận chiến Hoài Nam.
Triệu Phổ là do Sài Vinh phái tới bên cạnh Triệu Khuông Dận, từ đó ảnh không còn là người của Sài Vinh nữa rồi, cả thể xác và trái tim đều bị Triệu Khuông Dận cướp mất tiêu luôn, từ đầu tới cuối vẫn “trung trinh như một”, còn về những chuyện sau đó, đều xảy ra sau khi Triệu Khuông Dận đã qua đời, lòng trung thành của Triệu Khuông Dận đối với Sài Vinh chỉ kéo dài đến khi Sài Vinh tắt thở, vậy thì hắn không có tư cách gì hờn trách Triệu Phổ.
Huống chi Triệu Phổ thật sự đã dốc cạn sức lực rồi, anh bị thất sủng trước Triệu Khuông Dận có lẽ bởi nhiều lý do, nhưng chốt lại chính tại thời khắc anh muốn kéo Tấn Vương Triệu Quang Nghĩa xuống ngựa, thì Triệu Khuông Dận đã không nói một lần kéo thẳng anh xuống đài luôn, từ đó Triệu Phổ tan nát cõi lòng, huynh đệ dù gì cũng là huynh đệ, ta chung quy vẫn là người ngoài, cho dù mọi chuyện ta làm đều là vì ngài, cho dù lòng ngài cũng hiểu rõ tất cả, nhưng ngài vẫn lựa chọn thằng nhãi kia.
Khi Triệu Khuông Dận còn sống, Triệu Phổ và Triệu Quang Nghĩa không thể coi là gắn bó keo sơn, hai người tranh nhau chiếm vị chí No 1 trong tim Triệu Khuông Dận, mãi cho đến khi người này chết rồi, hai người họ mới bắt tay thỏa hiệp và hẹn ước, còn tranh cái gì nữa, người ta đã chẳng còn đây, chúng ta thì vẫn cứ phải sống tiếp.
Giá như cuộc đời mãi đẹp như thuở mới quen. Năm đó trong thành Trừ Châu, hai người vừa gặp như đã quen lâu dốc lòng tâm sự còn ngủ chung giường, huynh hiểu nỗi lòng ta ta hiểu trái tim huynh, quen nhau chửa bao lâu Triệu Phổ đã xung phong nhận việc làm hiếu tử thay cho Triệu Khuông Dận, chăm nom ông bố bệnh tật của hắn để hắn yên tâm ra trận, mọi chuyện trong nhà ta giao cả cho huynh. Từ đó đến suốt quãng đường dài về sau, Triệu Phổ đã trở thành người thân ngoài biên chế trong nhà Triệu Khuông Dận, gần gũi thân thiết với từng thành viên trong gia đình người ta. Mẹ Đỗ thường cho người sắp thêm đôi đũa phần anh, Đức Chiêu là do anh trông coi nuôi lớn, Quang Nghĩa cũng do anh chăm sóc trưởng thành, ngay cả công chúa nước Yên cũng là do anh vun vén gả cho Cao Hoài Đức, thật sự là thân không còn có thể thân hơn.
Nhưng vẫn là người ngoài.
Thôi để sau hãy bàn.
Năm đó hai người gặp nhau, sự kiện ấy được ghi lại trong đủ loại phiên bản niên biểu khác nhau trong cuộc đời Thái Tổ, năm 956, Thái Tông kết bạn với Triệu Phổ, cũng là một dấu mốc quan trọng giống như Lý Tòng Gia, năm 954 y lấy Nga Hoàng.
Không cần biết có phải vợ hiền hay không, đều là vợ cả.
Nam Đường năm 956, trống trận Hoài Nam kêu vang dội, làm tan tành điệu múa Nghê Thường(*).
(Chú thích: (*) Chế từ bài Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị, bản gốc là: Trống trận Ngư Dương kêu vang dội, làm tan tành điệu múa Nghê Thường”, ở đây tác giả sửa thành Hoài Nam).
Điệu múa này là giai điệu mất nước đó, còn tốn nhiều sức lực khôi phục nó làm gì, là bởi vì nó đại biểu cho giấc mộng phồn hoa rực rỡ mỹ miều sao? 
Theo như chủ trương lập quốc của Lý gia gia Liệt Tổ Nam Đường, yên phận là quốc sách, tốt nhất đừng có sinh sự với ai, nhưng Lý Cảnh lại không nghe lời, tùy tiện mở rộng đối ngoại làm trái với nền tảng lập quốc của cha ổng, mới dẫn đến cái họa mất nước. Quả đúng như vậy?
Không tính Chu Nguyên Chương, thì yên phận chính là lựa chọn phổ biến của các chính quyền dựng nước ở Giang Nam, có thể lấy một ví dụ rất gần là Đông Ngô, yên phận như nhau cả, người ta yên được là nhờ đâu? Không có trận chiến Xích Bích, không có Chu lang cắt đứt tơ tưởng của Tào A Man, thì có yên được không, không đánh mà yên, yên được hả?
Tổ tông thật sự coi việc co đầu rụt cổ không gây chuyện với ai thành gốc rễ trị nước, hay là đã nhìn ra được Lý Cảnh chẳng phải kẻ ngoan ngoãn nghe lời không tranh với đời, không biết, chỉ biết quốc sách căn bản này đã khiến mình chỉ có thể bị động ăn đòn, ai nói ông không gây sự với người ta thì người ta không động vào ông, vì sao mà Gia Cát thừa tướng phải đánh lên phía Bắc, cùng một đạo lý, ông không đánh người ta người ta ắt sẽ đánh ông, giữa buổi loạn lạc đến kẻ mạnh còn không thể ngồi yên được chứ đừng nói đến kẻ yếu.
Yên phận cũng phải ra dáng yên phận, Tôn Quyền chính là ví dụ điển hình, Tôn Quyền không phải người hoàn mỹ, khi về già cũng rất lẩm cẩm, nhưng Tôn Quyền lại là kẻ cực kỳ am hiểu đạo lý yên phận, ảnh không muốn gây sự, nhưng lỡ gặp chuyện ảnh cũng chẳng sợ thằng nào, Tào Tháo đến, hỏa thiêu Xích Bích, Lưu Bị đến, đốt trụi liên doanh, có lần nào không phải là lấy yếu đánh mạnh, có lần nào không phải cứu nước giữa bờ diệt vong? Quyết đoán lựa chọn nguyên soái, dùng người thì không nghi, trước có Chu Du sau có Lục Tốn, đều có giang sơn và chiến trường cho mình vùng vẫy. Về đối nội, Tôn Quyền đã sống những ngày tháng thế nào? Khắp đất Đông Ngô có ai không biết ăn tiêu tiết kiệm dành giụm lương thực tiền tài để nuôi quân, cái thời muốn vỗ béo Lưu Bị làm ổng chìm trong hưởng lạc mà nhụt chí, Tôn Quyền bỏ ra cả đống tiền chẳng lẽ không sót ruột sao? Kiểu yên phận này, cho dù không thể tính là thái độ của kẻ mạnh, nhưng ít nhất cũng không ai dám quá trớn coi thường, có muốn đánh, cũng phải suy tính thiệt hơn cái đã.
Nam Đường dưới thời Lý Cảnh… không thể gọi là yên phận, mà chính là tìm chết, là gió mát làm người say, nhìn rất giống con dê béo, không ăn được là bụng dạ ngứa ngáy. Nếu ngươi là sói, ngươi cần phải to thịt chắc xương, nhưng nếu ngươi là dê, thì vẫn nên gầy một chút cho an toàn.
Nhưng chúng ta thật sự cần nghiêm khắc với Lý Cảnh thế sao, hay vẫn câu nói kia, thời thế chỉ tạo ra một vị anh hùng trèo lên cao nhất, Lý Cảnh Đạt là dũng tướng số một của Nam Đường, hắn đấu lại Triệu Khuông Dận sao? Cho nên dù Lý Cảnh có làm một vị hoàng đế sáng suốt tiết kiệm dốc lòng vì nước hơn nữa, thì số phận đã định sẵn ổng không thể là người chiến thắng cuối cùng, cũng vậy, là một người mơ mộng viển vông trong mắt hậu thế, tôi cảm thấy ổng gắng gượng giúp Nam Đường yên phận thêm vài năm, thì thà rằng để lại một câu thơ “Tiểu lâu sáo lặng tiêu ngừng”(*) cho đời sau còn hơn.
(Chú thích: (*) Nguyên văn Hán Việt “Tiểu lâu xuy triệt ngọc sinh hàn”, trích Hoán Khê Sa Kỳ 1 do Lý Cảnh sáng tác).
Cái kiểu bướng bỉnh cậy mạnh này có khi còn xa xỉ hơn cả điệu múa Nghê Thường Vũ Y, nhưng, tốt xấu gì vẫn còn có thể để chút gì đó cho sử quan viết lại, giống như một số thứ dưới đây, khiến người ta khó mà phấn chấn cho được:
Tháng giêng năm 956, Sài Vinh ngự giá thân chinh.
Tháng 2, lần đầu tiên Lý Cảnh xin hòa, xưng đệ gọi huynh với Sài Vinh, Sài Vinh rất là ngại, năm đó hắn 35 tuổi, Lý Cảnh chẵn 40 rồi, cho nên “không chịu”, muốn là “đệ” mà hoàng đế người ta cứ không chịu.
Tháng 3, lại xin hòa, không nói đến chuyện huynh đệ nữa, sẵn lòng tự đổi niên hiệu, dùng lễ ngoại thần mà dâng biểu, tự xưng thần tử, Sài Vinh vẫn đáp hai chữ “không chịu”. Hai chữ “không chịu” này, chúng ta hãy thảo luận một chút xem xử sự như vậy đã phải thức thời hay chưa. Tính cách Sài Vinh vẫn luôn dứt khoát thẳng thắn, ta đã xác định mục tiêu nuốt chửng Giang Bắc đánh cho ông tàn phế, không hề có ý định làm hòa với ông. Cho nên điều kiện nào ta cũng cóc chịu. Nhưng nếu đổi lại là Triệu Khuông Dận, hắn có làm vậy không? Vùng Giang Bắc của Nam Đường tính ra phải mất ba năm mới chiếm hẳn được, thế mà mới có ba tháng Lý Cảnh đã xin hòa rồi, nếu muốn vạch rõ lãnh thổ chiếm được ưu thế thì nên ra tay giải quyết mối họa phía Bắc trước, như vậy sự kiện Nam Bắc giáp công buộc Thế Tông Sài Vinh phải lui binh vào một năm sau đã không xảy ra rồi. Huống chi, “không chịu” tất nhiên mang đến cảm giác sảng khoái thích thú, nhưng “chịu” đâu có nghĩa là ta sẽ không đánh ông nữa, sau này Lý Dục đã tự giáng chức mình xuống thành quốc chủ Giang Nam, Triệu Khuông Dận chịu ngay, ngươi cần thời gian ta cũng cần thời gian, ra tay chậm không có nghĩa là không ra tay, có khi còn thuận lợi hơn ấy chứ.
Có điều đúng là Sài Vinh không muốn chậm chạp, bởi vì hắn diễn thêm một lần là mất thêm một cơ hội rồi.
Tháng 5, mưa lớn, Sài Vinh không muốn dùng dằng cũng đành phải quay về Biện Kinh tiếp tục dùng dằng vậy. Triệu Khuông Dận về cũng hắn, Lý Trọng Tiến ở lại trông chừng, kết quả “không chịu” chính là trong cùng năm đó Lý Cảnh đã cho người đánh trả, lấy lại Giang Bắc, địch tiến ta lùi, địch lùi ta đánh, chiến thuật này thì đến văn nhân như ta cũng biết đó nha.
Trước lần ngự giá thân chinh thứ hai, Sài Vinh là người, cần phải ổn định tình cảm, Triệu Khuông Dận lại càng cần ổn định tình cảm, bởi vì cha hắn Triệu Hoằng Ân sau khi hưởng đủ phúc ấm tuổi già rồi thì ngã bệnh mà chết. Tôi luôn cảm thấy cái ý kiến cho rằng dưới thành Trừ Châu Triệu Khuông Dận giữ khư khư nguyên tắc không cho cha hắn mở cửa dẫn đến ổng bệnh càng thêm nặng đi đời nhà ma có vẻ hơi khoa trương, trước đó Triệu Phổ thay Triệu Khuông Dận chăm cha, thì bệnh tình của ổng đã đỡ hơn nhiều rồi, sau đó mới đổ bệnh qua đời, không có liên quan gì mấy đến cái đêm dưới cổng thành đó, có vẻ người ta đã tô vẽ quá mức chuyện Triệu Khuông Dận quân kỷ nghiêm minh rồi.
Thật đáng tiếc cho Triệu Hoằng Ân, cuộc đời ổng đã được chứng kiến bao đời hoàng đế thay đi đổi lại, ngay cả họ hoàng đế cũng đổi mấy lần, thế mà đến phiên con trai mình cùng cái họ của mình được xướng lên thì lại không kịp thấy. Triệu Hoằng Ân ngỏm rồi, Triệu Khuông Dận lại được thăng quan, từ Điện Tiền Đô Ngu Hầu thành Điện Tiền Đô Chỉ Huy Sứ, Khương quốc quân Tiết độ sứ, cuối cũng hắn cũng có thái ấp của chính mình, cuối cùng cũng đuổi kịp bước chân đại ca Lý Kế Huân trong Nghĩa Xá thập huynh đệ, có điều chuyện này cũng chẳng quan trọng, hắn sắp vượt qua Lý Kế Huân rồi, đứng trên bất cứ kẻ nào.

Mà điều quan trọng chính là Sài Vinh càng ngày càng coi trọng hắn, càng ngày càng thân thiết với hắn, càng ngày càng tin tưởng hắn, để tang ba năm vốn là chuyện hết sức bình thường, nhưng bước chân Sài Vinh không dừng lại, bên cạnh hắn không thể thiếu Triệu Khuông Dận, ba năm dài quá, chỉ tiếc sớm chiều, phải cho đệ một vị trí gần ta hơn nữa, cho chúng ta ngày ngày ở bên nhau, những ngày tháng thế này, không còn lâu nữa.

Post a Comment

Thục Thiên Mộng Hoa Lục