Jun 25, 2015

[HINT LỊCH SỬ] BIÊN NIÊN KÝ ĐƯỜNG TỐNG - PHẦN 05

Written By Tích Vũ Lầu on Jun 25, 2015 | 15:44

BIÊN NIÊN KÝ ĐƯỜNG TỐNG
Chuyện về Tống Thái Tổ và Hậu chủ Nam Đường (Một giai đoạn lịch sử đầy hint)
Tác giả: Mộc Đào Quỳnh Cư
Dịch: Tích Vũ và Thanh Du
Phần 05
Cuối năm 950 Triệu Khuông Dận bắt đầu nương nhờ Sài Vinh, năm 951, hắn vừa bước một chân ra khỏi cửa thì con trai thứ hai là Triệu Đức Chiêu cũng ra đời, cuối cùng Triệu gia cũng có người nối dõi. Trước khi bỏ nhà ra đi lần thứ nhất, hắn cũng để lại một đứa con, nhưng đáng tiếc lại mất sớm, chưa thể coi là hoàn thành chữ hiếu với tổ tông được. Có thể thấy trước mỗi lần ra đi, hắn đều ám ảnh tội lỗi “không người nối dõi”, có người nỗi dõi rồi, ông đây mới tha hồ liều mạng được.
Chú cháu Triệu Đức Chiêu và Triệu Khuông Nghĩa cách nhau 12 tuổi, nghĩa là nhà họ Triệu lại có thêm thằng cháu nữa cầm tinh con heo, một núi không thể chứa hai hổ, thì một nhà sao chứa nổi ba heo, vậy nên người kết liễu cuộc đời Triệu Đức Chiêu, vẫn là Triệu Khuông Nghĩa.
Năm 953, ba năm từ khi Triệu khuông Dận bỏ nhà ra đi, cùng đến Biện Kinh với Sài Vinh, năm ấy Triệu Khuông Nghĩa 14 tuổi, đã thành thằng nhóc choai choai rồi, Triệu Khuông Dận không ở nhà, Triệu Hoằng Ân cũng theo quân ra ngoài, Triệu Khuông Nghĩa trở thành nam đinh lớn nhất trong nhà, thu vén mọi việc ổn thỏa, khiến Triệu Khuông Dận vui mừng khôn xiết.
Về phần hắn, cũng đã gặt hái được thành quả sau chuỗi ngày lang bạt, nghe cũng không tệ, ngày đó từ bỏ cơ hội trong cấm quân, nay trở thành chỉ huy sứ quân Hưng Thuận ở Hoạt Châu, chẳng qua không có thăng tiến nhanh như cha hắn, nhà Triệu Hoằng Ân mấy đời trước chẳng có tiếng tăm gì, cho đến thời Hậu Chu thì đã có thể xem như có chút thanh thế, nhờ vào chiến công mà được thăng đến Đô chỉ huy sứ đội thiết kỵ, kiêm phòng ngự sử Nhạc Châu.
Triệu Hoằng Ân đến đây hẳn là có thể hài lòng, nhưng đối với Triệu Khuông Dận mà nói, chỉ là bước một bước nhỏ.
Năm ấy, Lý Tòng Gia cũng bề bộn nhiều việc, bận rộn chuẩn bị hôn sự cho mình, mà việc này cũng chẳng cần y tự mình thu xếp, nên đúng ra phải nói là, Nam Đường bận rộn nhiều việc, năm nay lục hoàng tử đã mười bảy tuổi rồi.
Năm 953 sau công nguyên là khoảng thời gian giao thời, ai nấy đều hân hoan khôn tả, Triệu Khuông Dận xây dựng được nền móng sự nghiệp, Lý Tòng Gia sắp sửa lấy vợ.
Đến năm 954, cuộc đời họ đều đã sang trang, năm ấy, Triệu Khuông Dận 28 tuổi, Lý Tòng Gia 18 tuổi.
Nói về Lý Tòng Gia trước nhé, bởi vì chỉ cần một câu là xong rồi, năm ấy, Lý Tòng Gia thành thân, thê tử tên Chu Hiến, tự Nga Hoàng, lớn hơn y một tuổi, khuyến mại thêm một câu “sử gọi là Đại Chu Hậu”, thế là coi như giới thiệu xong xuôi. Hai người này đã dùng 10 năm cuộc đời để vẽ nên một giấc mộng đẹp đẽ mà thê lương tại Nam Đường, chứng minh một cách đầy đủ mệnh đề “trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”.
Lục hoàng tử An Định Công Lý Tòng Gia sống rất an nhàn thong thả, theo đúng những gì mà số phận đã ưu ái ban sẵn cho y, sở thích của y và cha y cực kỳ giống nhau, nên y được dung túng mặc sức phong hoa tuyết nguyệt, mà ông anh Lý Hoằng Ký lại càng vừa ý với cái tính phong hoa tuyết nguyệt này, chỉ sợ thình lình một ngày y đột nhiên nổi hứng, “nhất mục trùng đồng” theo y cả đời mang đến bao nhiêu phiền phức sẽ đưa y đến đỉnh vinh quang, tướng đế vương trời sinh, mệnh đế vương định trước, cũng phải xem y có cái duyên đón lấy hay không đã.
Đến đây tiện thể nói qua một chút về trùng đồng, về mặt y học thì đây được xem là hiện tượng con ngươi có hình dạng khác thường, nhưng người ta lại coi là dấu hiệu đế vương, đồng thời trong lịch sử cũng có những ví dụ điển hình, như Thương Hiệt, vua Thuấn, Hạng Vũ, vì vậy mà ông nội y khá hớn hở, cha y khá vui mừng, anh trai khá đố kỵ, những chuyện này chẳng có gì lạ cả. Vấn đề là nếu trong lịch sử đã có tiền lệ thành công, thì cũng có tiền lệ thất bại, chung quy họa phúc khó lường, huống chi người ta là song mục trùng đồng, còn huynh chỉ có nhất mục trùng đồng mà thôi (*khóc ròng*), có phải số trời hay không vẫn còn khó nói lắm. Càng ngại hơn chính là, Lý Tòng Gia mới có 18 tuổi đã tỏ ra mệt mỏi vô cùng, cố bày vẻ đắm chìm trong vàng son nhạc họa, múa hát vui ca, cho đến khi bị số phận đẩy lên ngôi hoàng đế, rồi lại bị số phận hất ra khỏi ghế rồng, hẳn trong lòng chưa bao giờ cảm thấy tự tin vì mang nhất mục trùng đồng cả.
Trùng đồng không bắt đầu từ Lý Tòng Gia, nhưng sau Lý Tòng Gia thì không còn ai nhắc đến trùng đồng nữa, số phận đau thương cùng cảnh ngộ bất hạnh của y đã chứng minh cho người đời thấy một việc, trùng đồng, không nhất định là chuyện tốt.
Lúc Triệu Khuông Dận gặp Lý Tòng Gia không chừng còn nghĩ, may quá mình không mang trùng đồng.
Lý Tòng Gia 18 tuổi lấy vợ, y đã là người lớn rồi, một thời thơ trẻ đã qua, nhưng vẫn còn cách xa thời điểm xảy ra biến cố, mặc dù lúc ấy y vẫn có phiền não của y, nhưng những ngày tháng này, hẳn y vẫn khá hài lòng.
Vào năm 954, Triệu Khuông Dận đã không còn nhỏ nữa, hắn đã 28 tuổi, từ khi hắn bỏ nhà ra đi đến bây giờ cũng đã bảy năm, mặc dù kiên định đi theo đúng người, tiền đồ tương đối rộng mở, thì cũng chưa có thành tích gì đáng kể, mãi cho đến năm này.
Nếu từ lịch sử nhìn lại, năm này phải thuộc về Sài Vinh, một năm tiến nhanh nhất trong cuộc đời vinh quang mà ngắn ngủi của hắn, còn Triệu Khuông Dận chỉ là một cậu em nhỏ đứng dưới ánh hào quang chói lọi ấy thôi. Sài Vinh giống như thanh đao vừa sắc bén vừa lộng lẫy, vừa huy hoàng vừa xán lạn, sức hấp dẫn nồng nàn khiến người hồn vía lên mây, na ná Tiểu Bá Vương Tôn Sách ngày xưa vậy, tục ngữ có câu, trai càng đẹp thì chết càng nhanh, người như vậy chắc chắn sẽ bị ông giời vặt ngỏm.
Từ thời khắc Sài Vinh leo lên hoàng vị, Triệu Khuông Dận cũng bước trên quan lộ thênh thang như diều gặp gió, mặc dù có khá nhiều người được vị hoàng đế này coi trọng, nhưng Triệu Khuông Dận khỏi cần nói vẫn là đồng chí sống chết đáng tin cậy. Về sau Triệu Khuông Dận đã tự nói với huynh đệ của mình, năm đó, chẳng lẽ ta không phải là trung thần của Sài Vinh sao? (câu này không hiểu lắm, thỉnh chư vị góp ý?).
Năm đó, ngươi đúng là như vậy.
Sài Vinh chỉ dùng một trận chiến này đã khiến cho tất cả những kẻ từng hoài nghi lúc trước phải nhìn mình với cặp mắt khác xưa, cũng chính trận chiến này đã giúp Triệu Khuông Dận thành danh.
Chu Thế Tông Sài Vinh

Trận Cao Bằng diễn ra giữa Hậu Chu và Bắc Hán, sau khi Quách Uy chiếm được Hậu Hán thì dòng dõi họ Lưu đã dựng nên Bắc Hán, đương nhiên là kẻ thù của Quách Uy, nhưng Quách Uy không dám chọc vào, cứ nhịn cho đến khi Sài Vinh kế vị mới xả ra được, đây là ví dụ điển hình cho lẽ sống “tránh kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu” của Sài Vinh.
Quá trình diễn ra trận chiến thì khá là hoành tráng, xuất hiện một vị anh hùng oai phong lừng lẫy đúng kiểu “một mình xông pha giữa vạn người”, còn có một đôi ngươi sắc bén nhìn ra cơ hội chiến thắng trong mắt bại tướng, đưa ra quyết định chuẩn xác giữa chiến trường ngợp ngụa máu tanh, nói chung trước nay, xung phong là đại tướng, quyết đoán là quân vương, vậy mà trong trận đấu này thì lại hoàn toàn ngược lại, Sài Vinh tự biến mình thành mũi tên tiên phong, còn ngươi ở đằng sau chỉ đông đánh tây vẽ vời chiến thuật thì lại là Triệu Khuông Dận.
Xét trên thân phận của hai người, nhìn kiểu gì cũng thấy trái khoáy.
Nếu không có Sài Vinh giống như hổ báo xông pha trận mạc tiên phong đánh đầu, sĩ khí của binh lính Hậu Chu chắc chắn sụp đổ, cho dù Triệu Khuông Dận có lòng bắt giặc thì cũng chẳng xoay nổi đất trời, nhưng đồng thời, nếu không có Triệu Khuông Dận anh minh sáng suốt chỉ lối vạch đường, thì có lẽ đây sẽ là lần xông pha cuối cùng trong cuộc đời Sài Vinh. Sài Vinh đã đốt cháy chính mình dâng sinh mạng ra làm tiền đặt cược, Triệu Khuông Dận đứng sau lưng cũng không để mình tụt lại phía sau. Về sau khi trước mắt hắn không còn Sài Vinh nữa rồi, thì chúng ta đều thấy được, không phải hắn chưa từng đánh cuộc, mà chỉ là mỗi lần như vậy hắn đều cân nhắc rất cẩn thận lời lãi thu về.
Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa hắn và Sài Vinh, Sài Vinh đốt cháy sinh mệnh mình quá mức mãnh liệt, đến mức khó mà cháy lâu cho được, Triệu Khuông Dận thì khác, hắn rất ít khi gửi gắm lý tưởng của mình vào truyền kỳ hay may rủi, điều này khiến cho nghiệp lớn của hắn không được huy hoàng ngoạn mục chói lọi kinh hồn như Sài Vinh, nhưng cũng có vầng hào quang riêng, là hàng độc chỉ ta mới có.
Đó đều là chuyện về sau.
Hãy quay lại trận chiến chuyển bại thành thắng này, từ nay Hậu Chu sẽ bước trên con đường rộng mở, dùng khí thế của kẻ mạnh mà chinh phạt bốn phương, Sài Vinh trở thành cái tên khiến đất trời rung chuyển, còn Triệu Khuông Dận, trở thành Điện Tiền Đô Ngu Hầu, cách chức Đô Kiểm Điểm trứ danh có hai bước: Đô Ngu Hầu lên Đô Chỉ Huy Sứ, rồi lên Đổ Kiểm Điểm.
Tiêu Phong chỉ có một mình dẹp tan trận chiến, nhưng Sài Vinh không phải cao thủ tuyệt đỉnh, “một cây làm chẳng nên non”, hắn nhớ rõ ở giữa chiến trường hỗn loạn địch đông như kiến đao thương rợp trời, có một người ở sau lưng hắn, anh dũng giống hệt hắn, chính họ đã xây nên chiến thắng thay đổi số phận của cả hai người.
Triệu Khuông Dận, huynh đệ tốt.
Năm đó Sài Vinh 34 tuổi, Triệu Khuông Dận 28 tuổi, hai người đã quen nhau sáu năm, giữa họ còn chen chúc rất nhiều người, nhưng từ thời khắc này trở đi, khoảng cách giữa họ đã càng ngày càng gần, cho đến khi Sài Vinh để Triệu Khuông Dận đứng ngay vị trí gần mình nhất, Đô Kiểm Điểm… rồi thành thiên tử.
Trận chiến này đã làm chấn động bốn phương, nhưng còn cách Nam Đường xa đấy, cho dù trống trận Hậu Chu đã bay đến bên tai Lý Tòng Gia. Năm 954, An Định Công vừa lấy vợ xong, nghe đến cái tên Sài Vinh như sấm đánh bên tai, nhưng còn Điện Tiền Đô Ngu Hầu Triệu Khuông Dận Triệu đại công tử ấy mà, chắc có nghe xong cũng quên béng mất.

Những năm tháng khiến y khắc sâu trong ký ức, rất gần rồi.

Post a Comment

Thục Thiên Mộng Hoa Lục