BIÊN NIÊN KÝ ĐƯỜNG TỐNG
Chuyện
về Tống Thái Tổ và Hậu chủ Nam Đường (Một giai đoạn lịch sử đầy hint)
Tác giả: Mộc Đào Quỳnh Cư
Dịch: Tích Vũ và Thanh Du
Phần 07
Suốt quãng thời gian dài
sau đó, chúng ta đành phải tiếp tục tốn nước bọt nói về Triệu đại công tử vậy,
ai khiến Lý lục kém hắn những mười tuổi, mà sau năm 954 Triệu đại công tử đã bước
vào giai đoạn hoàng kim bạch kim, năm nào cũng sống hết sức thoải mái, còn Lý lục,
cũng hết sức an nhàn chìm trong phong hoa tuyết nguyệt, có khi còn thoải mái
hơn Triệu đại rất nhiều, đáng tiếc sử quan không chép, đành tự để trí tưởng tượng
bay cao bay xa vậy.
Hai người này ai nổi tiếng
hơn, điều này cũng rất khó nói, hồng nhân Triệu Khuông Dận bên cạnh Sài Vinh, từ
Hậu Chu cho đến Bắc Hán, chắc chẳng ai không biết, nhưng muốn đọ danh với Lý
Tòng Gia ở Nam Đường hả, mặc dù năm đó y vẫn chưa phải là thái tử, nhưng tài
năng đã vang xa lắm rồi, lại cộng thêm cả cô dâu mới tài sắc song toàn bên cạnh
y, đứng ở đâu cũng thấy đẹp quốc thể, tạo nên hiệu quả ngoại giao cực lớn. Danh
tướng thời loạn có thể thay đổi xoành xoạch, nhưng một hình tượng được dựng nên
để vỗ về dân chúng thì lại không thể coi thường. Bài ca Lili Marleen đã truyền
khắp hai bờ chiến tuyến, chứng tỏ nghệ thuật vốn không phân biệt chiến hào. Đến
giờ chúng ta chỉ cần ngâm lại một câu từ của Lý hậu chủ thôi cũng đủ để ngơ ngẩn
nửa ngày, trong khi thời ấy đây lại là dòng thơ ca chính thống, hiệu quả lan
truyền không cần nói cũng biết.
Triệu Khuông Dận là võ tướng,
nhưng hắn không phải kẻ cục mịch, càng không ghét người đọc sách. Mặc dù không
có chứng cứ cho thấy năm đó hắn từng nghe các bài từ của Lý Tòng Gia, cùng với
tính cách của hắn cũng chưa chắc đã thích mấy lời từ kiểu “tơ hồng vương khóe
miệng” gì gì đó, nhưng chúng ta vẫn không nên xem thường tác động của mấy ca khúc
thịnh hành này. Cũng vậy, không có gì chứng minh vào năm 954 Lý Tòng Gia đã
nghe nhắc đến Triệu Khuông Dận, nhưng hai năm sau đó thì chúng ta có đầy đủ lý
do để tin rằng, trừ khi Lý Tòng Gia là loại người mắt mù tai điếc mặc kệ chuyện
đời, đắm chìm trong thơ từ ca múa, còn không chỉ cần hai tai còn nghe được thì
không thể không biết đến ba chữ Triệu Khuông Dận.
Năm 955 lại là một năm
giao thời nữa.
Năm ấy, Sài Vinh đánh Thục,
cấm đạo Phật, quậy đến trời long đất lở, đập bỏ tượng Phật đem đi đúc tiền là vết
đen hay điểm sáng trong cuộc đời vị vua này thì vẫn còn rất nhiều tranh cãi,
nhưng ít nhất nó cũng cho thấy rõ dũng khí không sợ trời không sợ đất không sợ
thần phật của hắn. Giữa trời đất này đã có một Sài Vinh, còn cần vị thần nào nữa
sao, hàng động này có phải đã giải quyết được vấn đề rồi không? Không sai, ít
nhất nó đã tháo gỡ nhanh chóng vấn đề đau đầu nhức óc nhất trong chiến tranh,
chính là tiền bạc. Cá tính này của Sài Vinh thật sự khiến người ta cực kỳ thích
cũng cực kỳ ghét. Triệu Khuông Dận thấy tượng Phật ít nhất còn biết “vái chào”,
không phá cũng không nuôi, tuyệt tình không phải là phong cách của Triệu Khuông
Dận.
Từ góc độ này xem xét, Sài
Vinh là một người rất tùy hứng, vì vậy hắn có thể khiến rất nhiều người tùy hứng
đọc sử phải mủi lòng, đọc đến nhiệt huyết sôi trào sót ruột đứt gan, YY cho hắn
một quãng đời hoành tráng nếu như không phải chết sớm, thống nhất các nước đã
là gì, nuốt chửng nước Liêu đã là gì, chỉ cần Sài Vinh còn sống, có chuyện gì
là không thể chứ?
Dù sao hắn cũng chết rồi,
có YY thành ra thế nào cũng chẳng ai kiểm chứng được, nhưng những người tùy hứng
chưa có một tiền lệ thành công nào chói lọi đến cực đỉnh. Thành là do tính, bại
cũng do tính, cứng quá dễ gãy, tình sâu không thọ, loại người như vậy, cứ cúi đầu
lại hay.
Sự thật là, Sài Vinh đánh gọn Tứ Xuyên, nuốt chửng Giang Bắc của Nam Đường, đánh đông dẹp tây, là vất vả
vì ai tất bật vì ai? Vì Triệu Khuông Dận ư, đây tuyệt đối không phải mục đích
chính của hắn, mà là sự việc khách quan, cho nên trong cả quá trình chiến đấu,
Triệu Khuông Dận có dốc nhiều sức hơn nữa, trả giá nhiều hơn nữa, anh dũng hào
hùng vô địch hơn nữa, đều là chuyện hiển nhiên, vì mọi thành quả sau này đều
thuộc về hắn rồi, cho dù có lọt vào tay Triệu Khuông Nghĩa, thì ít nhất vẫn người
nhà mình cả.
Triệu Khuông Dận năm đó
còn đang làm thuê cho Sài Vinh hẳn không có ý nghĩ này, hiện tại vẫn còn quá sớm,
hắn còn cách vị trí chỉ huy tối cao trong quân đội một khoảng khá xa, nhìn vào
nhiệm vụ Sài Vinh giao cho hắn là biết. Năm 955, Triệu Khuông Dận xông ra chiến
trường, không phải để đánh nhau, mà là trinh sát, sau đó báo cáo lại kết quả
trinh sát cho Sài Vinh.
Đương nhiên lịch sử phải
chép rằng hắn hoàn thành nhiệm vụ này hết sức xuất sắc, hơn nữa còn dẹp bằng dư
luận bằng chủ trương Sài Vinh không thể lui binh, chỉ cần vây chặt Phụng Châu,
phía ngoài Tứ Xuyên thì nhất định có thể khống chế trong lòng bàn tay, thế là
Sài Vinh nghe theo, để rồi chứng minh lời hắn nói là đúng.
Trong chuyện này chưa nói
đến sức phán đoán tình hình quân sự hơn người của Triệu Khuông Dận, mà chỉ
riêng việc Sài Vinh phái Triệu Khuông Dận đi trinh sát, đã chứng tỏ hai chuyện,
thứ nhất, Sài Vinh rất tin tưởng hắn. Từ khi Sài Vinh để hắn trở thành tân quân
điện tiền trong đội quân mới lập, thì đã coi hắn là tâm phúc của mình, những tướng
lĩnh khác đều là những người theo Quách Uy lâu năm, chỉ có Triệu Khuông Dận là
lính mới, cho thấy Sài Vinh không chỉ tin tưởng vào sự trung thành của hắn, mà
còn càng thêm tin tưởng vào năng lực của hắn. Triệu Khuông Dận chưa bao giờ để
Sài Vinh phải thất vọng, cho đến khi chết mới... được rồi Sài hoàng thượng, dù
sao ngài cũng là người không tin thần phật mà. Thứ hai, địa vị của Triệu Khuông
Dận trong quân lúc đó cũng không có cao. Bạn đã từng nghe đến chuyện cho chủ
soái ba quân hay phó soái thân cận chạy ra chiến trường trinh sát, sau đó lượn
về báo cáo lại tình hình chiến trận cho mình chưa? Địa vị của Triệu Khuông Dận
còn lâu mới đến mức tiếng tăm vang vọng nhé. Huống chi tin tức và kiến giải mà
hắn mang lại cũng không được nhiều người ủng hộ, chỉ có Sài Vinh tiếp thu được
thôi, cho thấy hắn cũng chẳng có sức ảnh hưởng gì mấy, kể cả lúc còn ở dưới trướng
Quách Uy hay khi đã về với đội của Sài Vinh, người ta đều không thiếu lương thần
mãnh tướng, hắn phải trổ hết tài năng khiến người khác tâm phục khẩu phục mới
được, chứ hiện tại còn chưa là gì.
Năm đó có người khuyên Sài
Vinh thực hiện chiến lược trước Nam sau Bắc, sớm hơn rất nhiều năm so với thời
điểm Triệu Khuông Dận và Triệu Phổ uống rượu nhắm thịt dưới trời tuyết lớn bàn
mưu tính kế dựng nghiệp lâu dài. Chuyện này đã được quyết định từ lâu rồi.
Trong “Vấn Quân”, việc chiếm Giang Bắc trước là do Triệu Khuông Dận nói, hơn nữa
còn suy tính vẹn cả đôi đường, nhưng trên thực tế, sách lược quan trọng này còn
chưa tới phiên Triệu Khuông Dận mở lời, mà người quyết định chính là Vương
Phác, có người nói đến khi Triệu Khuông Dận lên làm hoàng đế rồi vẫn thỉnh thoảng
ngắm bức hình Vương Phác, còn phủi y phục hành lễ với ông ta, cho dù có là diễn
đi nữa, thì cũng chứng minh đối tượng diễn này cực kỳ quan trọng.
Kế hoạch này Sài Vinh thực
hiện một nửa, Triệu Khuông Dận thực hiện nốt một nửa, nhưng đối với Nam Đường
mà nói thì không có gì khác biệt, không cần biết có thống nhất giang sơn hay
không, ít nhất trên bản đồ mà hai người này nối đuôi nhau mở rộng vẫn chưa có
Nam Đường.
Năm 955, đánh xong Hậu Thục
ở Tứ Xuyên, Sài Vinh phái đại quân chinh phạt xuống Giang Bắc của lãnh thổ Nam
Đường, năm ấy, Triệu Khuông Dận ở nhà một năm, bởi vì hoàng thượng còn chưa dời
ổ mà, sang năm 956, Nam Đường sẽ phải nhớ rõ cái tên Triệu Khuông Dận giống như
nhớ rõ Sài Vinh vậy, nhưng hắn không phải là người duy nhất bị nhớ, tướng dưới
trướng Sài Vinh nhiều như nấm sau mưa, như Lý Trọng Tiến, Trương Vĩnh Đức các
loại, đều gộp lại cho Triệu Khuông Dận, để sau này hoặc bị hắn cắt tiết thị uy,
hoặc đôn đáo làm công cho hắn, không thể không nói, phần lớn số đó đều được Triệu
Khuông Dận gom về làm công cả.
Không biết Sài Vinh có
phát hiện chuyện này không, rằng sau khi hắn giao một người hay một đội quân
cho Triệu Khuông Dận, thì người hay đội này trên hình thức hay trên tinh thần,
đều thuộc về Triệu Khuông Dận, lần chinh phạt Nam Đường này đủ để chứng minh.
Hễ là quân vương tỉnh táo
một chút thì đều ý thức được, người này, thật sự rất khó lường, nhưng Sài Vinh thì lại không phải loại quân vương tỉnh táo. Bởi vì một khi hắn còn sống, thì hoàn toàn có thể thả
rông cho sự khó lường của người khác, thậm chí còn biểu dương sự khó lường của
người khác, bởi vì chỉ cần hắn còn lù lù ở đó, thì trên đời này chẳng có ai khó
lường hơn hắn cả.
Còn khi chết rồi thì sao
Sài hoàng thượng?
Post a Comment