Jun 29, 2015

[LỊCH SỬ] BIÊN NIÊN KÝ ĐƯỜNG TỐNG - PHẦN 11

Written By Tích Vũ Lầu on Jun 29, 2015 | 12:54

BIÊN NIÊN KÝ ĐƯỜNG TỐNG
Chuyện về Tống Thái Tổ và Hậu chủ Nam Đường (Một giai đoạn lịch sử đầy hint)
Tác giả: Mộc Đào Quỳnh Cư
Dịch: Tích Vũ và Thanh Du
Phần 11
Cuối cùng cũng đến lượt Lý Tòng Gia rồi, nếu nói theo thời gian, thì phải bắt đầu từ phía Hậu Chu kìa, nhưng chuyện bên đó, thứ nhất là nhiều, thứ hai là dài, thứ ba là đau, cho nên, thôi cứ đi từ cạn đến sâu, từ đau bé đến đau lớn vậy.
Năm 959, từ một người an nhàn thanh thản, Lý Tòng Gia bị cuốn vào trung tâm cơn lốc chính trị Nam Đường, chẳng bao lâu sau, y đã dùng thân phận quốc chủ Nam Đường mà cách sông nhìn về phía thằng cha tên Triệu Khuông Dận kia, hiện đã là hoàng đế nước mẹ. Nhưng tính đến mùa xuân năm 959, y vẫn là lục hoàng tử của Nam Đường, là Trịnh Vương cực kỳ nhàn tản, còn Triệu Khuông Dận vẫn là Điện Tiền Đô Chỉ Huy Sứ, Trung Võ Quân Tiết Độ Sứ, vẫn còn cách hai bước mới đến mục tiêu cuối cùng của hai người.
Cuối cùng Nam Đường đã phải nhục nhã đổi lấy hòa bình, nhưng tâm Lý Cảnh thì đã mệt, ông ấy vốn không phải người sinh ra để làm hoàng đế, là số phận đẩy ông lên cái ghế này, tính ra tam đệ Lý Cảnh Toại hay tứ đệ Lý Cảnh Đạt đều thích hợp hơn ông, nên ông đã thề thốt ngay trước linh vị của cha mình, rằng ngôi vị này hết huynh thì truyền cho đệ, hết đệ thì truyền cho tiểu đệ, dù sao mấy đứa nó vẫn thích hợp hơn con.
Một năm trước quân Hậu Chu tiến sát biên giới, đã ép cho tinh thần Lý Cảnh vỡ vụn rồi, ông muốn truyền ngôi cho tam đệ, tam đệ không làm, muốn nhường cho tứ đệ, tứ đệ không chịu, lựa chọn duy nhất chính là thằng con trưởng Yên Vương Lý Hoằng Ký, thế là vội vàng hoảng loạn lập nó làm hoàng thái tử, lần này, Lý Hoằng Ký vui vẻ nhận lời, cái ngày này ông đây đã đợi từ lâu.
Lý Hoằng Ký tin chắc mình có thể cứu quốc gia khỏi cảnh nguy nan, bởi vì trong suốt ba năm Nam Đường liên tục bị Hậu Chu dồn ép đến không thở nổi, thì chiến công duy nhất lại thuộc về Lý Hoằng Ký, kẻ bị anh đánh là Ngô Việt đâm sau lưng người, đã vậy anh còn thắng chứ. Chuyện này có phải hơi lạ lùng đúng không, Lý Cảnh phái đệ đệ của mình là Lý Cảnh Đạt qua sông liều mạng với Triệu Khuông Dận, lại để con trai mình xuống phía Nam bóp trái hồng mềm lập công lớn hù dọa người chơi, nếu như người phải qua sông là ngươi, ngươi có thể thắng nổi Triệu tướng quân đứng trong bất cứ hàng ngũ nào điều khiển bất cứ binh chủng nào vẫn xuất sắc nhất không? Nhóc con à, cha bây thiên vị bây đó bây không biết à?
Anh không biết thật, cho nên anh hạ độc giết chết tam thúc của anh, chính là Lý Cảnh Toại đã từ bỏ địa vị hoàng thái đệ.
Nguyên nhân chuyện này có hai cách giải thích, thứ nhất là Lý Cảnh bị đánh đến chân tay run rẩy, muốn bỏ thành Kim Lăng trên bờ Trường Giang, dời đô về Hồng Châu – cũng chính là phủ Nam Xương sau này, việc này được Lý Hoằng Ký hiểu luôn là trò quỷ của Lý Cảnh Toại; thứ hai là phong cách làm việc của Lý Hoằng Ký khắc hẳn cha anh, sấm vang chớp giật khiến cho đám lão thần phải lục tục về hưu, thế là cả đám người khóc lóc ỉ ôi đi tố cáo với Lý Cảnh, cách xử lý của Lý Cảnh rất không nho nhã, ông trực tiếp dùng gậy golf đập cho thằng con đã lớn đùng một trận, còn hùng hổ chửi bới cái gì mà mày không xứng đáng làm thái tử, thà rằng để chú ba mày làm còn hay hơn, thế là chỉ một câu nói ấy ổng đã góp phần tiễn em ba về nơi chín suối.
Rất nhiều người cho rằng, nếu ngày ấy Lý Hoằng Ký lên làm quốc chủ Nam Đường, có lẽ số phận của Nam Đường đã khác. Cái này vẫn là giả thiết, giả thiết là thứ không thể bị phủ định, bởi với một chuyện chưa từng xảy ra thì người ta nói gì mà chẳng được, nhưng cá nhân tôi cho rằng, cứ căn cứ vào tố chất tâm lý có gan làm chuyện ác mà lại không làm được chuyện ác của Lý Hoằng Ký lúc còn làm thái tử, thì anh thật ra vẫn quá non tay, hạ độc giết chết tam thúc, anh cũng khiến mình đang sống ngon lành bị dọa gần chết luôn, ám ảnh cái chết, day dứt muốn chết, dằn vặt đến chết.
Vào cái mùa hè mà anh giết chết tam thúc của mình, tháng bảy anh điên điên dở dở gặp ma giữa ban ngày, tháng chín thì, nhắm mắt xuôi tay.
 Thái tử Lý Hoằng Ký, anh thật ra là người ngoài cứng trong mềm, trông thì có vẻ lạnh nhạt vô tình, nhưng nội tâm lại vô cùng mềm yếu, thực tế không phải lòng dạ của quân vương, có lẽ từ lâu Lý Tòng Gia đã hiểu rõ đại ca mình là loại người thế nào, cho nên bao năm nay, y vì mang nhất mục trùng đồng xui xẻo kia mà phải chịu đựng ánh mắt lạnh lẽo của đại ca, bao nhiêu lần bị anh nhìn chòng chọc đến sống lưng lạnh buốt, trong lòng lại chưa từng thật sự trách anh, y chỉ rất muốn rất muốn nói cho đại ca biết, đệ thật sự thật sự không muốn làm hoàng thượng đâu.
“Từ khi được học hành đến nay, thần không hề để tâm đến công danh lợi lộc, nhờ sự che chở của cha anh, mà được sống những ngày tháng tự do tự tại”(1). Lời muốn nói y cũng nói ra rồi, nhưng là để cho Triệu Khuông Dận nghe, Lý Tòng Gia huynh lạ thật đấy, dâng sớ cứ dâng sớ, huynh cứ viết theo phong cách văn chương kiểu cách thông thường không được hay sao, cái gì mà em đây chẳng qua được nhận phúc ấm tổ tiên kế thừa gia sản, huynh muốn hoàng đế nước mẹ thấu hiểu cái gì chứ, huynh ngây thơ bộc bạch hết nỗi lòng con trẻ ra với hắn, nói với kẻ lòng dạ khó lường như thằng cha kia rằng huynh vốn chẳng có chút hứng thú nào với chính trị, không sợ người ta cười ruồi hay sao? Không hứng thú thì tốt, anh đây thành toàn cho chú.
(Chú thích: (1): Nguyên văn Hàn Việt: “Tự xuất giao tường, tâm sơ lợi lộc, bị phụ huynh chi manh dục, nhạc nhật nguyệt dĩ ưu du”, trích trong tấu biểu mà Lý hậu chủ từng dâng lên Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận.)
Lời nói này, y biết rõ có nói cho đại ca nghe thì người ta cũng không tin, cho nên y không nói, y dùng hành động thực tế để nói cho Lý Hoằng Ký biết em đây không hiểu khói lửa nhân gian đến cỡ nào, không hứng thú với chính trị đến cỡ nào, thế là y hoàn toàn không hỏi đến chuyện chính trị, năm 19 tuổi y đi làm Tuần phủ sứ ven sông, sau đó một lòng một dạ đòi làm ẩn sĩ. Y vốn tưởng đại ca đã lên làm Thái tử, mọi chuyện sẽ yên ổn, ai ngờ mới chớp mắt một cái anh lại đổ bệnh phát điên thế này.
Thời gian đó, lại trở thành khoảng thời gian hai huynh đệ họ thân thiết nhất, lại giống như ngày còn nhỏ, không nghi ngờ không đố kỵ, Lý Tòng Gia hết lòng hết dạ chăm sóc anh, cuối cùng Lý Hoằng Ký cũng hiểu lòng đứa em trai “gần gụi với thiên nhiên, hồn nhiên như cây cỏ” của mình, thế nhưng anh cũng đã đi đến bước cuối cùng của cuộc đời rồi.
Cả nhà đang yên lành lại bị cuốn vào trận chiến tranh quyền đoạt vị đến lưỡng bại câu thương đồng quy vu tận, Lý Tòng Gia vốn đã bước trên con đường ẩn sĩ cũng đã phải nếm trải mùi vị làm hoàng đế, không chỉ có mình y biết y không thích hợp với vị trí này, mà bất cứ ai sáng mắt ở Nam Đường đều hiểu cả, cho nên khi Lý Cảnh đề xuất lập Lý Tòng Gia làm thái tử, đã có người nhảy ra phản đối quyết liệt, người này tên là Chung Mô. Chung Mô nói: “Tòng Gia kém đức yếu chí, lại sùng đạo Phật, không thể làm vua. Tòng Thiện can cảm chín chắn, thích hợp kế thừa ngôi báu”. Tòng Thiện có thích hợp hay không, tôi không biết, bởi vì chuyện ấy không xảy ra, thế nhưng cậu ta dám tự mình qua sông làm con tin, cho thấy rõ lòng dạ can đảm, không chỉ có thể bình an vô sự giữ được tính mạng, mà còn làm được quan, lo được chuyện ở Đại Tống, cho thấy cậu ta cũng có chín chắn, nhưng cứ xét việc cậu bị Triệu Khuông Dận dùng một bức họa mà lừa gạt đến xoay mòng mòng, thì chứng tỏ trên chính trường cậu ta vẫn chỉ là đứa trẻ ngây ngô mà thôi; có điều chuyện Lý Tòng Gia không thích hợp, thì tất cả người đời sau đều biết rồi. Thật ra hẳn Lý Cảnh cũng biết, thằng con này của ông không thích hợp đến cỡ nào, một Tòng Gia tính cách giống như ông không thích hợp làm vua đến cỡ nào, thế nhưng ông xử lý ra sao, chính là lưu đày cái tên Chung Mô không biết đều này đến Nhiêu Châu, vẫn chưa hết, sau đó ông còn phái người đi nói với lão già kia, năm đó ngươi và Tôn Thành cùng đi sứ, Tôn Thành bị Sài Vinh giết rồi, sao ngươi vẫn còn mặt mũi sống tiếp mà trở về hả? Để sau mùa thu tính sổ tiếp đi, thế nhưng, Chung Mô đã bị giết rồi.
Thế nào? Những lời này nếu đổi lại là người khác nói, kết quả liệu có giống nhau? Không nói trước được, bởi vì cái tên Chung Mô này, vốn đã là một trong những kẻ Lý Cảnh ghét nhất, gã tự kiêu có tài mà suồng sã đến thô thiển, dùng cả ngự bút của Lý Cảnh để viết chữ, Lý Cảnh chỉ có thể nhẹ nhàng nhắc khéo gã, ngươi có thể tự mang bút của mình đến không, cái gã này cười ha ha tiếp tục viết, làm cho Lý Cảnh tức lắm, huống chi gã và Lý Tòng Thiện có quan hệ không tồi, mở miệng nói mấy lời này vào tai Lý Cảnh, có vô tư cũng thành hữu tư, huống chi lão thật sự vô tư sao? Mặc dù đánh giá của lão về Lý Tòng Thiện vẫn được hậu thế gật gù thừa nhận, nhưng từ miệng lão phun ra, Lý Tòng Thiện đành vô duyên với ngôi vị hoàng đế vậy. Để gạt bỏ trở ngại, dẹp đường cho Lý Tòng Gia, ta không thể để ông sống trên đời được nữa, thật ra, Lý Cảnh trải qua tôi luyện nhiều năm, thuật đế vương cũng nắm kha khá rồi.
Năm đó, Lý Cảnh thăng cấp cho Lý Tòng Gia từ Trịnh Vương lên thành Ngô Vương, Thượng Thư Lệnh, học chính sự, chuyển về Đông cung, chỉ còn một bước nữa là lên làm hoàng đế, không ai có thể thay đổi định mệnh ấy nữa, Lý Tòng Gia cũng chỉ có thể chấp nhận số phận, đây là trách nhiệm của con cháu họ Lý, huống chi y nhiều tuổi hơn Tòng Thiện, cục nợ này ai gánh trên vai cũng sẽ chết sớm, huynh đã nhiều tuổi hơn, dĩ nhiên không thể đùn đẩy. 
Xuân hoa thu nguyệt bao thuở hết(2), chi bằng kê gối hưởng an nhàn(3).
Ngày mai có sầu ngày mai tính(4), chi rằng xõa tóc dạo thuyền nan(5).
(Chú thích:
(2): Trích bài từ “Ngu mỹ nhân” của Lý hậu chủ.
(3): Trích bài thơ “Rót rượu uống cùng Bùi Địch” của Vương Duy thời Đường.
(4): Trích bài thơ “Tự khiển” của La Ẩn thời Đường.
(5): Trích bài thơ “Ở Tuyên Châu trên lầu Tạ Diễu tiễn biệt Hiệu thư Thúc Vân” của Lý Bạch thời Đường”).
Lý Tòng Gia
Chí ít lúc đó, hoặc thậm chí một khoảng thời gian dài về sau, tôi vẫn không thấy Lý Tòng Gia đau lòng xót dạ thế nào, y dùng thái độ thích nghi nhanh chóng với mọi hoàn cảnh mà tiếp tục cuộc đời lãng mạn mà đẹp đẽ của y, nghĩ đến trắng cả đầu, thà rằng cứ mặc kệ nó. Năm 959, y đã 22 tuổi, năm ấy cuộc đời y đã thay đổi chóng mặt, nhưng có vẻ cần làm gì y đều làm cả, tiếp tục cuộc sống viết thơ gảy đàn uống rượu ca hát với người vợ xinh đẹp của y.
Trước khi nói tới Đô Chỉ Huy Sứ họ Triệu, chúng ta hãy nói hết chuyện Nam Đường cái đã. Vẫn còn vài chuyện có thể nói, chuyện thứ nhất, chính là cải cách tiền tệ, trong “Vấn Quân”, phải vài năm nữa mới diễn ra việc cải cách tiền tệ của Lý Dục, tháng 7 năm 959, Chung Mô – người bị số phận phũ phàng mới nói trên kia – đã đề xuất đúc loại tiền đồng lớn “Vĩnh Thông Tuyền Hóa” lấy một làm mười, chính sách này chỉ thực hiện được có ba tháng, đến tháng 10 thì nhà nước hủy bỏ Vĩnh Thông tuyên bố thất bại. Đúc tiền là bởi vì thiếu tiền, đừng tưởng rằng cắt đất đền tiền là chuyện nhỏ, sau này Lý Dục cải cách tiền tệ cũng bởi vì thiếu tiền, bởi vì số tiền y phải cống nộp cho phía Bắc càng ngày càng nhiều, càng ngày càng hậu hĩnh. Cải cách tiền tệ thật sự không phải là chuyện nhỏ, không có đo lường tính toán phân tích một cách hệ thống, làm không tốt sẽ loạn hết cả thị trường tài chính, thời hiện đại bây giờ mà còn có bao nhiêu quốc gia vì vấn đề tiền tệ mà lâm vào khủng hoảng, huống chi là thời đó, đây không phải chuyện giỡn chơi đâu.
Chuyện này mà xử lý nhanh gọn thì sẽ không dẫn đến rắc rối lớn, nhưng có một chuyện thì đã khá nghiêm trọng rồi, chính là nước Liêu của người Khiết Đan đã cắt đứt quan hệ với Nam Đường.
Trong Vấn Quân, Lý Dục phải đau đầu cân nhắc thiệt hơn khi quan hệ với người Khiết Đan, thật ra thì y vốn chẳng còn nỗi buồn phiền này nữa rồi, bởi vì ngay vào năm ấy, tình cảm giữa Nam Đường và Khiết Đan hoàn toàn đổ vỡ, vậy mới nói, giữa thời đại nhiễu nhương, đừng nên yêu xa cho khổ.
Nam Đường và Khiết Đan, đúng là cách nhau khá xa, nhất là vào thời đó giao thông lại chưa phát triển, hai bên đều phải đi đường thủy, vượt qua biển cả mênh mông, rồi lại rẽ vào đường sông thì mới có duyên gặp gỡ, có thể giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp nhiều năm như vậy, hơn nữa khi Nam Đường gặp nạn Khiết Đan còn gắng phối hợp đâm sau lưng Sài Vinh một đao, thật sự không dễ dàng gì, lần này đến phiên Khiết Đan bị Sài Vinh nhòm ngó, cục tức này thật nuốt không trôi, bàn bạc vấn đề có đi có lại với Nam Đường, vốn muốn để đôi bên cùng có lợi. Vậy thì sao lại đổ vỡ chứ, chuyện này khá giống hài kịch, năm ấy, hoàng đế nước Liêu phái cậu mình đi sứ Nam Đường. Nam Đường chiêu đãi lịch sự lắm, sắp xếp cho ổng ở lại dịch trạm Thanh Phong – cái nơi vừa nghe tên đã thấy tràn trề phong nhã rồi, truyền thống của Trung Hoa là lấy rượu đãi khách, ông cậu Khiết Đan uống say sưa, đứng lên đi giải quyết nỗi buồn, mãi không thấy quay lại, lâu đến nỗi khiến người ta nghi ngờ, vừa đi ngó xem thì, gay, đầu ổng bị cắt mất tiêu rồi.
Ai giết ổng vậy? Là thích khách do Kinh Hãn Nho đoàn luyện sứ Thái Châu của Hậu Chu.
Không hổ là họ Kinh, một Kinh Kha ngã xuống, vô số Kinh Kha khác lại vùng lên, ở bất cứ triều đại nào thích khách đều chiếm một vị trí nhất định, mang đến hiệu quả giật mình cho cả vở kịch, vì sao lại có cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất chứ, chính là nhờ thích khách đó!
Nam Đường khó mà cãi được, cứ như vậy, người Khiết Đan bừng bừng lửa giận cắt đứt quan hệ với Nam Đường, Triệu Khuông Dận chỉnh nhịp bước chân từ Nam lên Bắc, không cần lo hai mặt chịu địch Nam Bắc giáp công nữa. Hắn thật tốt số, những cực khổ mà Sài đại ca từng nếm trải đã được hắn giải quyết dễ dàng.
Biến cố xảy ra tại dịch trạm Thanh Phong, nhìn thì có vẻ nho nhỏ, nhưng thực chất lại to to, từ đó về sau trừ Bắc Hán gần trong gang tấc, chuyện thống nhất giang sơn đã trở thành chuyện riêng của người Hán rồi, chuyện này đã được giải quyết trước khi Lý Dục đăng cơ, khiến y mất đi cơ hội làm Thạch Kính Đường(6) thứ hai, hậu thế không cần bình xét y dựa trên đại nghĩa dân tộc nữa, mà có thể dành cho vị vua mất nước tài hoa khoáng cổ tuyệt kim này sự tiếc nuối vào cảm thông trọn vẹn, đây chẳng phải là một kiểu thành toàn hay sao?
(Chú thích: (6): Thạch Kính Đường là Hậu Tấn Cao Tổ, vua đầu tiên của triều Hậu Tấn, năm 936, Thạch Kính Đường nổi dậy chống Hậu Đường và cầu viện sự giúp đỡ của Khiết Đan, sau khi giành được quyền lực về tay thì đã cắt 16 châu cho Khiết Đan, một hành động tác động lớn đến tình thế chính trị Trung Quốc suốt nhiều năm sau đó.)
Tôi hết sức thông cảm với Lý Biền và Lý Cảnh, giữ yên cương vực bờ cõi thật không dễ dàng gì, lại còn là nước nhỏ sức yếu, nhưng tự đáy lòng thì không sao thiện cảm nổi với hành động cấu kết với ngoại bang, ngoài việc cách Khiết Đan quá xa, thì bọn họ có khác gì Bắc Hán nương tựa Khiết Đan đâu, một khi Nam Bắc hợp sức tiêu diệt Hậu Chu, thì khác nào dẫn sói vào nhà bảo hổ lột da, bạn có chắc mình là hậu duệ Thiên Khả Hãn không đấy?
Có một chuyện nhỏ mà bị xé ra to, không nói thì có lỗi với mọi người, bởi vì chuyện này liên quan đến Triệu Khuông Dận.
Biểu hiện xuất sắc của Triệu chỉ huy sứ đã để lại ấn tượng rất sâu trong đầu toàn thể triều đình Nam Đường, tướng quân mặc khôi giáp sáng chói như mặt trời ban trưa khiến người ta khó mà quên cho nổi. Để chứng minh mình đã biết đến cái tên Triệu Khuông Dận, Lý Cảnh đã phái Phùng Diên Lỗ chạy qua tặng quà cho hắn, mười vò rượu ba nghìn lượng bạc, cảnh này có quen không, nội dung “Vấn Quân” đã cố ý lập lờ chỗ này, trong sử thì Nam Đường hối lộ Triệu Khuông Dận để chia rẽ hắn với Sài Vinh, vào phim thì chuyển thành hối lộ Triệu Phổ nhằm chia rẽ Triệu Phổ với Triệu Khuông Dận, mục đích rất đơn giản, chính là kế ly gián, bên này ngươi vừa đưa tay nhận quà thì bên kia Sài Vinh đã biết ngay, và rất nhiều năm sau Triệu Khuông Dận cũng dùng kế ly gián lấy mạng Lâm Hổ Tử, xem như có đi có lại. Triệu Khuông Dận chẳng nói hai lời, chuyển hết về cho Sài Vinh, Sài Vinh bảo, người ta tặng đệ thì đệ cứ nhận đi, dù sao sắp tới nhà đệ cũng có nhiều việc hiếu hỉ cần chi tiêu nhiều, đệ cứ cầm lấy mà dùng, Triệu Khuông Dận kiên quyết từ chối. Cũng có người nói hắn dùng số tiền này khao quân, tôi cảm thấy cái ý kiến này chẳng đáng một xu, trước nay ngoại trừ hoàng đế ai dám bỏ tiền khao quân chứ, dám trắng trợn mua chuộc lòng quân như vậy Sài đại ca không để ý mới lạ, có phải mình đã chiều hắn quá rồi không? Huống chi Triệu Khuông Dận cũng chẳng phải loại người nông cạn. Còn ý kiến khác đáng tin hơn một chút, bảo là sau khi Triệu Khuông Dận khước từ thì Sài Vinh vẫn để cho hắn hai nghìn lượng bạc để hắn lo cưới xin cho Triệu Khuông Nghĩa, dù gì cũng là lấy cô em dì, thưởng cho ít tiền Triệu Khuông Dận cũng chẳng có lý do để từ chối, lần này thì hắn nhận rồi.
Sài đại ca huynh chăm chút hắn hơi kỹ rồi đấy.
Ngày tháng không còn nhiều, huynh muốn tranh thủ cưng chiều hắn sao?
Năm ấy Lý Tòng Gia 22 tuổi, lần đầu tiên phải nếm mùi sinh ly tử biệt, Lý Hoằng Ký đi rồi, y không chỉ mất một người anh trai, mà mọi chuyện, đều thay đổi. Một người vốn không có duyên với ngôi hoàng đế, giờ lại cách ngôi hoàng đế chỉ một bước thôi, hơn nữa, muốn trốn cũng không được.
Năm ấy Triệu Khuông Dận 32 tuổi, đã nếm trải nhiều cuộc chia ly, nhưng Sài Vinh chết rồi, hắn không chỉ mất đi một người… chỗ này, chỉ cần dùng hai từ là được: “như trên”.
Giữa bóng tối âm u, mọi vui buồn trong cuộc đời hai người này, cứ không ngừng gắn chặt với nhau, và đây chỉ là điểm khởi đầu.  

Post a Comment

Thục Thiên Mộng Hoa Lục