Jun 25, 2015

[HINT LỊCH SỬ] BIÊN NIÊN KÝ ĐƯỜNG TỐNG - PHẦN 01

Written By Tích Vũ Lầu on Jun 25, 2015 | 14:20

BIÊN NIÊN KÝ ĐƯỜNG TỐNG
Chuyện về Tống Thái Tổ và Hậu chủ Nam Đường (Một giai đoạn lịch sử đầy hint)
Tác giả: Mộc Đào Quỳnh Cư
Dịch: Tích Vũ và Thanh Du
Phần 01
Triệu Khuông Dận được sinh ra vào ngày 21 tháng 3 năm 927, à hay là 16 tháng 2 ấy nhỉ, mọi người tự ngó lại xem.

Triệu Hoằng Ân

Theo kiểu vẽ vời thông thường của lịch sử, trước khi sinh vị này ra, mẹ ngài chắc hẳn đã mơ thấy mặt trời lao vào lồng ngực, trong lúc sinh thì hào quang sáng rực cả phòng. Thì có mỗi một ông tiểu đoàn trưởng tên Trần Đại Lôi ra đời thôi mà đã có người viết “sấm đánh giữa trời quang, Trần tiểu đoàn trưởng hiên ngang ló dạng”, huống chi là ông vua mở nước. Để chứng mình đây là mệnh trời đây là ý dân thì nhất thiết phải có dấu hiệu kỳ diệu như vậy rồi, chỉ có điều trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc này, số lượng trẻ con được sinh ra với hào quang chói sáng với hương khí khắp người cũng tương đối nhiều, cuối cùng lần lượt lên voi xuống chó cả, chỉ có mỗi ai kia “nhất mục trùng đồng” là tương đối đáng tin thôi.
Triệu Khuông Dận đi không đổi tên ngồi không đổi họ, từ khi còn là thằng nhỏ lang thang đến khi chễm trệ ngôi hoàng đế Đại Tống, chỉ thêm tên tự thêm danh hào, còn tên cúng cơm thì không hề thay đổi. Chúng ta đều biết những vị hoàng đế khai quốc xuất thân bình dân đều không tránh khỏi việc đổi tên, như Lưu Bang vốn tên Lưu Quý hay Lưu lão tứ, Chu Nguyên Chương thì vốn tên Chu Trọng Bát, nguyên nhân có nhiều mà chủ yếu là do tên khai sinh của các vị quá quê kệch rồi thì gợi nhớ lại một thời kỳ kham khổ đã qua. Trong khi có những người thấy tên xấu phải đổi, hiếm hoi lòi ra vài người như Lý Uyên, Lý Thế Dân hay Triệu Khuông Dận tự tin cóc thèm đổi, còn thì đến Lý Tòng Gia cũng sửa thành Lý Dục (), Triệu Quang Nghĩa đổi thành Triệu Quýnh (), có lửa có mặt trời, đổi tên rồi thì có thể chói lọi giống như huynh đệ mình rồi ha.
Xuất thân của Triệu Khuông Dận cũng không hẳn là bình dân, nhưng cũng chẳng phải hiển hách gì cho lắm. Triệu Hoằng Ân ở trong “Vấn Quân” đã dùng danh nghĩa tiết độ sứ mà chặn kiệu thiên tử , mặc dù bị nện cho một trận nhưng vẫn còn có tư cách chặn kiệu, chứng tỏ thân phận không xoàng. Triệu Hoằng Ân đúng là đã từng làm Tiết độ sứ thậm chí cả chức quan cao hơn, đạt tới đỉnh cao danh vọng vào thời kỳ Hậu Chu, rồi đến con của ông là Triệu Khuông Dận cũng chấp chưởng cấm quân, mà thôi việc này để sau đi. Quay lại chuyện về Tiết độ sứ, năm 950 sau công nguyên, khi Triệu Khuông Dận đã 23 tuổi, mà cộng thêm tuổi mụ theo thói quen của người xưa nữa thì là 24 hoặc 25, trong khi Triệu Khuông Dận bỏ nhà ra đi vào năm 21 tuổi tính cả mụ, như vậy có thể khẳng định lúc hắn bỏ nhà đi thì Triệu Hoằng Ân còn chưa có làm đến chức Tiết độ sứ.
Lúc Triệu Khuông Dận sinh ra, hẳn Triệu Hoằng Ân đang giữ một chức nhỏ trong cấm quân, vào những năm tháng mà Triệu Khuông Dận trưởng thành, hắn đã phải chứng kiến các vị hoàng đế xung quanh mình thay đi đổi lại không biết bao nhiêu lượt: Hậu Đường đổi thành Hậu Tấn, Hậu Tấn đổi thành Đông Hán, hoàng đế họ Lý đổi thành họ Thạch, rồi lại từ họ Thạch đổi thành họ Lưu, thủ đô di dời từ Lạc Dương đến Khai Phong, còn Triệu Hoằng Ân thì vẫn mãi là một viên quan nhỏ, chức này thì không cần biết là triều nào đại nào hoàng đế nào cũng vẫn có thể giữ chắc, cho nên giữa một thời kỳ nước sôi lửa bỏng trăm họ lầm than như vậy, Triệu Khuông Dận vẫn có thể ung dung nhàn nhã lớn lên, lấy vợ sinh con hết sức suông sẻ, thành gia xong thì đi dựng nghiệp.
Nói Triệu Khuông Dận xuất thân giàu sang thì không đúng, mà bảo hắn gia cảnh bần hàn cũng chẳng phải. Hắn không giống Lý Tòng Gia sinh ra đã ngậm thìa vàng trong miệng, cũng chẳng phải Chu Trọng Bát bần nông đói rách cực cùng, Triệu Khuông Dận gia cảnh nửa vời, có người nói chính xuất thân như vậy đã quyết định cá tính rộng rãi hào sảng của hắn, không có ngây thơ chẳng hiểu nhân gian khói lửa như Lý Tòng Gia, cũng không có hành động cực quan nóng nảy như Chu Trọng Bát.
Có lẽ cần phải nói qua về mẫu thân của hắn, chính là bà Đỗ nổi danh thiên vị. Bà Đỗ hay mẹ Đỗ, sinh được năm trai hai gái, mà có lời đồn là năm trai ba gái, trong khi tính tới tính lui cũng chỉ ra năm trai hai gái mà thôi. Năm trai hai gái là một con số cực kỳ may mắn, vào triều Tống người ta hay tặng nhau bức tranh có năm trai hai gái coi đó là vận may. Khoan bàn đến việc này có mê tín hay không, thì việc bà Đỗ sinh được hai hoàng đế, rồi cháu chắt hàng đàn ấy là sự thật. Cô Đỗ năm 15 tuổi được gả cho Triệu Hoằng Ân, 25 tuổi sinh cậu con trai thứ hai là Triệu Khuông Dận. Ngày còn bé Triệu Khuông Dận chẳng phải thằng con ngoan răm rắp nghe lời mẹ, vậy mà trưởng thành rồi lại hết sức hiếu thảo với bà ta. Nửa vế đầu tôi có thể hiểu được, chứ còn nửa vế sau thì quái gở.
Chúng ta đều biết, vào năm 927 sau công nguyên thì trên đời còn chưa có cái tên Lý Tòng Gia, thậm chí đến cái quốc gia Nam Đường còn chưa xuất hiện, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc phía Nam bình yên vô sự. Năm ấy, ông nội của Lý Tòng Gia là Lý Biện có tên là Từ Tri Cáo, gọi Từ Ôn quyền thần số một của Nam Ngô là nghĩa phụ. Sau khi Từ Ôn chết, Từ Tri Cáo loại bỏ con trai ruột của ông ta mà nối tiếp Từ Ôn trở thành quyền thần nắm giữ binh quyền trong triều, cần mẫn làm quyền thần suốt cả chục năm, mãi cho đến năm Lý Tòng Gia ra đời mới chịu chính thức xưng đế.
Vị ông nội này vốn là họ Lý, sau đổi thành họ Từ, cuối cùng lại đổi về họ Lý. Lý Biện là tổ tông của Nam Đường, tự nhận mình là con cháu dòng dõi Lý Thế Dân, chuyện này chúng ta từng được nghe vị Tôn đại nhân Tôn Thành không sợ chết còn chọc cho Thế Tông (tức Chu Thế Tông Sài Vinh) tức đến máu phun năm bước đề cập qua trong “Vấn Quân”, thực hư ra sao thì có trời mới biết. Lý Biện là con côi, từ nhỏ đã làm hòa thượng ở trong miếu, tên lúc nhỏ là Bành Nô, không dưng được Từ Ôn nhận làm con nuôi, dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng, còn nghèo hơn cả Triệu Khuông Dận, trải qua trăm cay ngàn đắng trăm gió ngàn sương mới cát cứ được một phương, sinh ra thằng con phong lưu như Lý Cảnh, thằng cháu tài hoa như Lý Tòng Gia. Chuyện này, ngoài lý do đột biến gen ra, thì chỉ có thể giải thích bằng việc đời cha vất vả nên muốn bù đắp cho đời con được phú quý an nhàn, con à, cha bây quê kệch khổ sở bao nhiêu thì chúng bây phải an nhàn quý khí bấy nhiêu nghe chưa.
Năm 927 sau công nguyên, Triệu Khuông Dận cất tiếng khóc chào đời, Lý Biện đã cát cứ một phương, ngắm nghía ngôi vị hoàng đế từ phía xa, ngắm liền tù tì mười năm.

1 comments:

6/27/2015 9:21 AM Reply

Cuối cùng nàng cũng quay trở về *chấm nước mắt*. Đọc lịch sử mà cảm thấy nó hài quá =)))))))))

Post a Comment

Thục Thiên Mộng Hoa Lục