Dec 27, 2014

[ĐẠO MỘ BÚT KÝ] CHUNG CỰC GIẢI MÊ - PHẦN 05

Written By Tích Vũ Lầu on Dec 27, 2014 | 15:15

ĐẠO MỘ BÚT KÝ
CHUNG CỰC GIẢI MÊ
Viết bởi: Noãn Hòa Hồ Ly Bắc Kinh
Dịch bởi: Tích Vũ
Chung cực giải mê – Phần 05: Sợi dây mê thứ ba: Cốt lõi của Đạo Mộ Bút Ký: Cuộc đấu đá giữa các thế lực thời hiện đại để tìm ra bí mật trường sinh bất tử.

Thứ nhất, sau khi Uông Tàng Hải chết, mọi thứ dường như chìm vào yên lặng, vòng quay số phận nằm đợi dưới đáy biển.
Cho đến những năm bốn mươi trước Giải Phóng, ba đời thổ phu tử nhà họ Ngô trộm ngôi mộ huyết thi ở Trường Sa, khiến từ đây nhà họ Ngô luẩn quẩn trong vòng vây số phận.
Tình hình lúc đó hẳn là, bọn họ đi vào con đường bí mật làm từ ngọc đen, phá hoại việc “lột da” của Thiết Diện Sinh, khiến Thiết Diện Sinh biến thành huyết thi, anh trai của Ngô lão cẩu trẻ tuổi hăng hái, bừng bừng khí thế lấy được sách lụa và đan dược bọ ăn xác trong miệng Cửu Thiên nương nương bốn mắt.
Lúc này, động chạm đến huyết thi, cả ba người đều sập bẫy.
Anh trai của lão cẩu chắc đã ăn nhầm hoặc trong lúc sợ hãi xơi luôn đan dược bọ ăn xác, xem đó là “thuốc cứu mạng” để rồi biến thành huyết thi.
“Đạo Mộ Bút Ký” có viết lại chuyện năm mươi năm trước ông nội Ngô Tà lúc còn trẻ đã nhìn thấy một người toàn thân nhẫy nhụa máu tươi, hẳn là cụ nội Ngô Tà sau khi trúng đòn, khuôn mặt to tướng không có con ngươi chính là huyết thi Thiết Diện Sinh.
Huyết thi đó đâu rồi? Chạy mất? Hay là bị anh trai của lão cẩu giết? Không rõ nữa.
Bốn viên thuốc trong mộ, hẳn là một viên Thiết Diện Sinh ăn khi còn sống, một viên bị anh trai lão cẩu ăn, một viên được Ngô Tam Tỉnh lấy đi và một viên bị chính ông ta làm vỡ.
Về sau, tuy rằng Ngô lão cẩu khôn ngoan lanh lợi, nhưng tuổi còn nhỏ lại chịu đả kích quá lớn, chắc không dám dọ dẫm mò vào trong mộ nữa, sau Giải Phóng, quyển sách lụa Chiến Quốc ông ta lấy được bị Cầu Đức Khảo lừa đi, không lâu sau còn bị Cầu Đức Khảo bán đứng, Ngô lão cẩu chạy trốn tới Hàng Châu, vậy hẳn cũng không còn dịp vào ngôi mộ ấy nữa.
Vậy là huyết thi họ Ngô đành thẫn thờ trong mộ suốt mấy chục năm.

Đạo Mộ Bút Ký - Tiểu Tử Quan

Thứ hai, sự kiện then chốt xảy ra vào năm 1974.
Năm 1974 là năm bắt đầu và cũng là then chốt những chuyện xảy đến với đội khảo cổ.
Bởi vì, năm ấy Cầu Đức Khảo ở Mỹ đã giải ra được nội dung cuốn sách lụa Chiến Quốc hắn gạt được từ tay Ngô lão cẩu (Về phần một người Mỹ như hắn làm sao có thể giải ra được cuốn sách lụa này thì còn là câu chuyện rất dài phía sau).
Khi đó quan hệ Mỹ - Trung đã giảm nhiệt và bắt đầu ngoại giao, sự kiện có thể chấn động cả giới khảo cổ này truyền đến Trung Quốc chắc chắn thu hút rất nhiều sự chú ý! Đó là khoảng thời gian mà giới khảo cổ Trung Quốc hừng hực khí thế, hơn nữa còn có một nhân vật lớn đứng sau giật dây, mong muốn nắm được bí mật sâu nhất đằng sau cuốn sách lụa này.
Dựa vào thế lực của cả quốc gia chắc chắn dễ dàng điều tra được Cầu Đức Khảo lấy được cuốn sách lụa từ tay người nào, chính là Ngô lão cẩu và nhà họ Ngô.
Đây là “nguồn cơn kinh động trung ương” mà “bút ký” nhiều lần nhắc tới.
Xuất phát từ chuyện đầy bí ẩn như vậy, thế lực đó nhất định sẽ tìm ra được Ngô lão cẩu, buộc ông ta trở lại ngôi mộ cổ huyết thi, kiểm tra xem còn sót lại cuốn sách lụa Chiến Quốc nào không.
Khoảng năm 1974, chắc chắn Ngô lão cẩu đã xuống ngôi mộ huyết thi lần nữa, và đi xuống cùng ông ta lần này, là Giải cửu gia - cha của Giải Liên Hoàn.
Hai người là họ hàng, quan hệ cũng rất tốt, hơn nữa còn chung một “nguồn cội”. Tình tiết này Tam Thúc có nhắc đến trong bản Internet, sau lại cắt đi không có trong sách xuất bản.
Ngô lão cẩu và Giải cửu gia xuống mộ, chắc chắn có sự giám sát của quân đội hoặc chính phủ bên ngoài.
Họ không kinh động đến huyết thi, hoặc huyết thi không tấn công bọn họ, chắc bởi huyết thi còn sót lại chút ý thức biết được đây là em trai mình, mà Ngô lão cẩu hiển nhiên cũng không muốn lộ ra.
Quả nhiên Ngô lão cẩu và Giải cửu gia đã lấy được quyển sách lụa Chiến Quốc khác từ dưới mộ. Đương nhiên, họ lập tức phải giao nộp.
Sự kiện then chốt xảy ra vào năm 1974 (tiếp theo).
Cuốn sách lụa Chiến Quốc mà Ngô lão cẩu và Giải cửu gia lấy được hẳn đã được giải ra nhanh chóng, nội dung một lần nữa khiến “cấp cao” giật mình.
Bản sách lụa này vốn do Thiết Diện Sinh ghi chép, hắn nhất định đã thuật lại chuyện trường sinh bất lão của Tây Vương Mẫu, còn cả thần thoại Thanh Đồng cổ của hậu duệ Xi Vưu (bên trên tôi từng nói, bản thân Thiết Diện Sinh chính là hậu duệ Xi Vưu).
Năm 1974 còn xảy ra chuyện gì nữa? Phải, chính là Trần Bì A Tứ đổ đấu Kính Nhi cung bị người Miêu đâm mù mắt, chính là lần con xà mi đồng ngư đầu tiên được đào lên. Ba con xà mi đồng ngư của Uông Tàng Hải đều ghi lại vị trí ngôi mộ dưới đáy biển và bí mật trường sinh bất lão (đồng ngư được tạo ra để dụ dỗ kẻ trộm mộ mò xuống đáy biển).
Hai chuyện này cùng hướng tới bí mật “trường sinh”, mở ra bức màn âm mưu đã được vạch sẵn.
Chính phủ hoặc quân đội đã chuẩn bị một loạt thủ đoạn ngoài sức tưởng tượng để nhảy vào và nghiên cứu chuyện này.
Thế lực này chính là “nó”.
Đội khảo cổ của Văn Cẩm được thành lập từ lúc đó, nhưng họ cũng không hề biết sự thật, cũng chẳng biết “nó” đứng sau bức màn.
Vì sao toàn bộ hồ sơ về họ đều biến mất? Là bởi vì ngay từ đầu, đội khảo cổ này đã trở thành vật thí nghiệm và vật hi sinh của “nó”.
Điểm dừng chân đầu tiên của đội khảo cổ, chính là âm sơn cổ lâu nơi phát hiện ra “cục sắt”, bí mật Thanh Đồng cổ do người Miêu hậu duệ Xi Vưu bảo vệ. Ở nơi này, Muộn Du Bình đã dính líu với đội khảo cổ để rồi cuối cùng gia nhập đội này.

[ĐẠO MỘ BÚT KÝ] CHUNG CỰC GIẢI MÊ - PHẦN 05

Trong kế hoạch của “nó” còn có một bước đi nữa, chính là dụ dỗ Cầu Đức Khảo tham dự.
Đầu tiên, Cầu Đức Khảo có trong tay quyển sách lụa thứ nhất, đồng thời giải ra được nội dung vô cùng có giá trị bên trong, sau khi dẫn dụ Cầu Đức Khảo nhảy vào, thì “nó” có thể ở đằng sau làm ngư ông đắc lợi. Đây có thể coi là phương án tốt nhất để thực hiện một nhiệm vụ bí mật.
Giáng sinh năm 1975, Cầu Đức Khảo nhận được hình ảnh quyển sách lụa Chiến Quốc mới! Từ đó về sau, người này điên cuồng nhảy vào dòng xoáy mê man không lối thoát này.
Vậy ai đã gửi thứ đó cho Cầu Đức Khảo? Ngô Tam Tỉnh hoặc Giả Liên Hoàn! (Bản Internet của Tam Thúc có đề cập đến tình tiết này).
Thật ra, chính “nó” đã bày kế để Ngô, Giải nhử Cầu Đức Khảo, khiến cho Cầu Đức Khảo tin rằng đây là ý đồ của mấy kẻ trộm mộ, dụ dỗ Cầu Đức Khảo chui vào. Cũng chính như lời Văn Cẩm từng nói thật ra “nó” mượn tay hai nhà Ngô, Giải nói cho Cầu Đức Khảo biết vị trí cuốn sách lụa mới và ngôi mộ dưới đáy biển.
Đội khảo cổ và Cầu Đức Khảo, cả hai lực lượng này đều là quân cờ của “nó”.
Về phần vì sao “nó” lại muốn áp dụng biện pháp bí mật khác thường như vậy, thì phía trên tôi đã từng phân tích qua:
1, Đây là một chuyện vô cùng thần bí - bí mật trường sinh, chuyện này khác với việc khai quật tượng binh mã, nó nhuốm màu quỷ thần mê tín, cực kỳ tương phản với nền giáo dục nhân dân bao năm qua cũng như hình thái ý thức vô thần được giương cao dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, cho nên không cách nào khua chiêng gõ trống mà làm được.
2, Việc này nhuốm màu quỷ thần, các nhà khảo cổ chính thống không thể làm được, cần nhờ đến giới trộm mộ tham gia, đây cũng là một trong những nguyên nhân không thể khua chiêng gõ trống.
3, Cuốn sách lụa Chiến Quốc được dịch ở nước ngoài có ảnh hưởng rất lớn, nên càng không thể đánh rắn động cỏ, xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả quan hệ quốc tế.
4, Chuyện này khả năng còn phải thí nghiệm trên cơ thể con người, càng không thể công khai.
Thế lực quốc gia không tiện công khai tham dự, nhưng lại muốn nắm trong tay kết quả cuối cùng, vừa muốn lợi dụng vừa muốn trông chừng đề phòng giới trộm mộ và Cầu Đức Khảo.
Nói chung, việc này chỉ có thể thực hiện bí mật, ngay từ đầu số phận đội khảo cổ đã được định sẵn, không cần biết là thành công hay thất bại, đều sẽ bị vứt bỏ sau khi hết giá trị lợi dụng.
Thứ ba, năm 1975, một năm trước khi đi Tây Sa.
Bắt đầu từ khi Ngô lão cẩu và Giải cửu gia tiến vào ngôi mộ huyết thi lần thứ hai vào năm 1974, hai nhà Ngô – Giải bắt đầu bị “nó” ép phải bí mật làm việc cho mình.
Ngô lão cẩu đã già, Ngô Tam Tỉnh trở thành chủ lực. Trong kịch bản mà “nó” vạch ra, Ngô Tam Tỉnh trên danh nghĩa là làm việc cho Cầu Đức Khảo.
Thật ra, Ngô Tam Tỉnh là cá bị “nó” dùng làm mồi câu đồng thời kiềm chế và giám sát Cầu Đức Khảo.
Cho nên, Ngô Tam Tỉnh năm đó, là “gián điệp ba mang”.
Thân phận thứ nhất là bạn trai của Trần Văn Cẩm trong đội khảo cổ, thân phận thứ hai là giả vờ làm việc cho Cầu Đức Khảo và thân phận thứ ba – cũng là thân phận thật sự – chính là người mà “nó” sắp xếp nằm vùng trong đội khảo cổ và giám sát Cầu Đức Khảo.
Từ khoảng năm 1976, đội khảo cổ của Văn Cẩm đã được thành lập.
Vậy thì, một Ngô Tam Tỉnh hoàn toàn không xứng đôi với người đầy cá tính như Văn Cẩm lại có thể nảy sinh tình cảm có phải cũng là do “nó” sắp xếp hay không?
Mục đích là để Ngô Tam Tỉnh có một lý do danh chính ngôn thuận tiếp cận và gia nhập đội khảo cổ, mà không khiến cho người trong đội nghi ngờ?

[ĐẠO MỘ BÚT KÝ] CHUNG CỰC GIẢI MÊ - PHẦN 05

Khi đó “nó” lợi dụng hai nhà Ngô, Giải, bởi suy cho cùng chính nhà họ Ngô là người trộm cuốn sách lụa Chiến Quốc ấy ra. “Nó” chủ yếu dùng Ngô Tam Tỉnh để giám sát Cầu Đức Khảo. Về phần Giải Liên Hoàn, có lẽ giống như Văn Cẩm nói, y đúng là một sinh viên khảo cổ bình thường tham gia vào đội khảo cổ của Văn Cẩm. Thế nhưng, Giải Liên Hoàn vẫn là “chân trong” mà “nó” xếp vào đội khảo cổ. Giải Liên Hoàn dựa vào tri thức và kinh nghiệm được truyền thụ từ gia tộc trộm mộ của mình mà hỗ trợ nhóm học sinh không có chút kinh nghiệm đổ đấu nào (cũng giống như vai trò của Bàn Tử sau này).
Từ năm 1975 Ngô Tam Tỉnh gửi cuốn sách lụa mới lấy được cho Cầu Đức Khảo, thì đã luôn dựa trên danh nghĩa làm việc cho họ Cầu mà nhử đủ loại thế lực nhảy vào.
Mà đồng thời, Giải Liên Hoàn cũng được “nó” sắp xếp gia nhập đội khảo cổ, hỗ trợ đội khảo cổ tìm hiểu bí mật “trường sinh bất lão”.
Một năm trước sự kiện ở Trường Sa, họ Cầu cuối cùng cũng tới Trung Quốc, bắt đầu hành động, việc làm đầu tiên chính là lần nữa đào xới ngôi mộ huyết thi Trường Sa.
Mọi người có cảm thấy rằng, Ngô Tam Tỉnh chạm mặt Cầu Đức Khảo ở ngôi mộ huyết thi thật trùng hợp quá mức?
Thêm cả rất nhiều lần sau đó, chú Ba (Giải Liên Hoàn) và Cầu Đức Khảo đều không hẹn mà gặp.
Thật ra, Ngô Tam Tỉnh đang giám sát Cầu Đức Khảo theo lệnh của “nó”.
Những chuyện xảy ra dưới mộ, Ngô Tam Tỉnh giết chết huyết thi họ Ngô, xua nhầm bọ ăn xác đuổi đám người Cầu Đức Khảo chạy tóe khói, lấy được một viên đan dược, có lẽ đều là thật.
Mấu chốt của chuyện này chính là để Ngô Tam Tỉnh nhìn thấy cảnh tượng bi thảm người biến thành huyết thi cùng với chỗ kinh khủng của bí mật này.
Phần06: Bí mật Tây Sa.

Post a Comment

Thục Thiên Mộng Hoa Lục